Ngược dòng sông Mã

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ngược dòng sông Mã, để “mắt thấy, tai nghe” những đổi thay trong đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc bên dòng sông đã đi vào thơ ca này.

 11.jpg 

Nhân dân bản C5, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) chăm sóc bưởi Diễn.

 

Tại địa phận xã Chiềng Khương, nơi có suối Nậm Lẹ chảy ra sông Mã, xuôi xuống huyện Mường Ét (CHDCND Lào), đâu đâu cũng thấy những bãi bồi trải rộng được người dân cải tạo trồng nhãn, xoài, cam, táo, mía và các loại cây vụ đông xanh mướt. Phía trên là những ruộng lúa bậc thang, chín vàng trải rộng hút tầm mắt thấp dần ra sông. Quần tụ phía xa là những ngôi nhà sàn mới dựng, nhà xây 3-4 tầng kiên cố bên sườn đồi đẹp lung linh trong nắng chiều, trông chẳng khác nào những ngôi biệt thự ở giữa miệt vườn đầy hoa trái. Trên bờ, tiếng động cơ, tiếng còi xe nhộn nhịp ra đồng thu hoạch lúa và vận chuyển nông sản về bản, càng tạo nên sự sầm uất và vẻ đẹp trù phú của bản làng ven sông. Rất tự hào, ông Nguyễn Trung Vực, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương chỉ tay về phía bản Quyết Thắng nói: Bản nay có 60 hộ, hầu hết là người dân Hưng Yên lên xây dựng từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, do chịu khó làm ăn, lại nhạy bén trong phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng nhãn ghép, xoài ghép, táo, ổi  theo tiêu chuẩn VietGAP, rồi trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng mang lại thu nhập cao, do vậy, cả bản không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.

Tiếp tục hành trình ngược dòng sông Mã, chúng tôi theo con đường đất đỏ, len lỏi qua từng bụi tre, khe suối, phía dưới có những đoạn lòng sông lởm chởm đá, nhấp nhô tạo thành nhiều ghềnh thác chảy siết, nhưng có đoạn lại hiền hòa thơ mộng trải dài theo từng cồn cát trắng, đẹp lạ lùng. Phía sau các mỏm đá, các cô gái Thái lưng đeo “ếp”, từng tốp lom khom lượm rêu xanh, để chế biến làm thức ăn. Anh Lò Văn Phú, người dân bản Hin Phon (xã Chiềng Cang), bảo: Hết mùa mưa rồi nên nước sông cạn dần, dòng sông trong xanh trở lại cũng là lúc vào mùa rêu. Rêu sông Mã được người dân nơi đây ví như tảo biển, mềm mại như tơ tằm, xanh mướt, mọc từng đám trên các tảng đá ngầm. Người dân khi đi lấy rêu, phải lựa chỗ nước chảy, trong, sâu thì mới có rêu non và ngon. Rêu đem về dùng chày đập, giũ sạch rồi trộn nước mắm, muối, tỏi, ớt, các loại rau thơm và không thể thiếu mắc khén (một loại hạt tiêu rừng thơm, cay), gói lá chuối, đưa vào bếp nướng hoặc ủ bên bếp than hồng cho tới khi chín tới thì mang ra ăn. Người dân địa phương chúng tôi thường chế biến rêu thành nhiều món, nhưng chủ yếu là món nướng, món xào, ăn vừa ngon thơm, mát ngọt và bổ dưỡng mang hương vị đặc trưng riêng. Đây là một loại đặc sản của người Thái ở huyện Sông Mã.

Khi chúng tôi đến cầu cứng Mường Hung thì trời đã tối dần. Đây là chiếc cầu bê tông lớn thứ hai trên dòng sông Mã (tính từ Chiềng Khương). Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, thì những năm qua huyện Sông Mã đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng,  xây dựng 80 chiếc cầu lớn, nhỏ. Riêng trên sông Mã có 17 chiếc, gồm 4 cầu cứng, 8 cầu treo và 5 cầu tạm, xây dựng tại địa bàn các xã Chiềng Sơ, Bó Sinh, Chiềng Khương. Những chiếc cầu không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, mà còn tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, làm thay đổi diện mạo các vùng quê còn nhiều khó khăn, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

 

12.jpg

Người dân bản Kéo, xã Huổi Một (Sông Mã) thu hoạch lúa mùa.

Sáng sớm hôm sau, từ đầu cầu cứng thị trấn Sông Mã, chúng tôi đi theo quốc lộ 12, ngay bên dòng sông Mã qua các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ. Khu vực này, nhiều HTX  dịch vụ nông nghiệp được thành lập, trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thịnh, ở bản Mé (Nà Nghịu) là mô hình HTX điển hình về sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đang cùng các thành viên chăm sóc vườn nhãn sau thu hoạch, anh Lường Văn Thoan, Giám đốc HTX trao đổi với chúng tôi: Trước đây do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật nên nhãn kém năng suất, chất lượng. Từ khi được cán bộ khuyến nông của huyện, xã hướng dẫn, rồi tìm hiểu thêm trong sách, báo, trên mạng internet tôi đã cùng các thành viên trong HTX đầu tư kỹ thuật, mua nguyên vật liệu xây bể chứa nước, lắp đặt đường ống dẫn nước tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, rồi áp dụng các biện pháp lai ghép nhãn địa phương với những giống nhãn có năng suất, chất lượng; trồng thêm giống nhãn mới. Đến nay, 15 thành viên của HTX đã có gần 30 ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ nhãn vừa qua, thu hoạch gần 250 tấn, doanh thu khoảng 3,5 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi thành viên thu nhập gần 200 triệu đồng. Với số tiền này, các thành viên không chỉ để mở rộng diện tích nhãn, mà còn xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi...

Vẫn con đường bên dòng sông Mã, chúng tôi đi qua các xã Yên Hưng, Mường Lầm, Chiềng En rồi qua cầu cứng Bó Sinh về trung tâm xã Bó Sinh. Đâu đâu cũng thấy những ruộng bậc thang lúa chín vàng, những đồi cây ăn quả bạt ngàn lấn dần những quả đồi, sườn núi. Ông Sùng A Hờ, Chủ tịch UBND xã Bó Sinh niềm nở ra đón chúng tôi. Trong câu chuyện về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông nói: Bó Sinh đã khác trước nhiều rồi, có điện, đường, trường, trạm, lại vừa khánh thành chiếc cầu bê tông do Tổng cục Đường bộ Việt Nam giúp đỡ xây dựng rộng 3,5 m, dài hơn 100 m nối đôi bờ sông Mã. Người dân xã chúng tôi có cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện không còn cách sông, cách suối như trước nữa, nông sản làm ra đến đâu được tiêu thụ đến đó. Đặc biệt, vụ nhãn vừa qua, hơn 1.000 tấn nhãn quả của bà con được thương lái đưa xe ô tô đến tận nhà thu mua và vận chuyển đi tiêu thụ khắp nơi. Vì vậy, kinh tế của xã khác hẳn trước, thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người/năm. Đời sống mọi mặt của bà con có nhiều thay đổi, được thụ hưởng nhiều tiện ích; sức khỏe người dân được chăm sóc chu đáo; học hành con trẻ được bảo đảm; các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên...

Rời xã Bó Sinh trong nắng chiều nhạt dần, ven đường những cây đào đang hé nụ, báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Dưới sông, từng tốp thanh niên trai tráng đang quăng chài bắt cá. Bên bờ suối, tiếng nói, tiếng cười rôm rả của chị em làm sôi động một khúc sông. Chúng tôi biết, không bao lâu nữa trên dòng sông này, những nhà máy thủy điện sẽ dần được xây dựng để khai thác nguồn “vàng trắng” đang ngày đêm tuôn chảy, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sông Mã nói riêng và của đất nước nói chung. Trời nhá nhem tối, cũng là lúc chúng tôi về đến thị trấn Sông Mã, kết thúc cuộc hành trình ngược dòng sông Mã dài gần 100 km với những ấn tượng khó quên.

 

10.jpg

Cánh đồng lúa của xã Chiềng Khương, bên dòng sông Mã.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới