“Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”

Ngày 20/5/2015, Ban Thường vụ tỉnh ủy ban hành Quy định số 2108-QĐ/TU về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp đối thoại với nhân dân. Đây là cách làm sáng tạo của Tỉnh ủy trong cụ thể hóa việc thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện quy định này, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân để lắng nghe, kịp thời giải quyết các bức xúc của người dân.

8.jpg

Lãnh đạo huyện Quỳnh Nhai đối thoại với người dân xã Mường Sại.

Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ công tác đối thoại với nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị. Đây cũng là dịp để người dân đề xuất, bày tỏ mong muốn, hiến kế và còn là kênh giám sát quan trọng. Mặt khác, qua những câu hỏi, chất vấn, kiến nghị người dân, các cán bộ, công chức, cơ quan chuyên môn thấy rõ trách nhiệm của mình để tập trung giải quyết những vấn đề được giao một cách khẩn trương, không được làm qua loa, lấy lệ. Mỗi lần đối thoại với Nhân dân là một lần để người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng bộ, chính quyền; phát hiện, tố giác những cán bộ, đảng viên, công chức có những hành vi tiêu cực; đồng thời là một lần “sát hạch”, “chấm điểm” công khai, minh bạch năng lực, trách nhiệm, uy tín, bản lĩnh chính trị và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức ở cơ sở. Qua đối thoại, cán bộ cấp trên trực tiếp kiểm nghiệm được uy tín, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp dưới, những người đứng đầu tổ chức, địa phương, đơn vị. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để cán bộ cấp ủy, chính quyền các cấp trau dồi các kỹ năng, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong điều hành, lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân... Vì vậy, công tác đối thoại với Nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung triển khai một cách đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực.

Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, cấp tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị đối thoại với 119 ý kiến; cấp huyện tổ chức 230 hội nghị với trên 8.400 ý kiến; cấp xã tổ chức 426 hội nghị với hơn 3.300 ý kiến, các ý kiến tập trung ở mọi mặt của đời sống xã hội. Các sở, ngành, lực lượng vũ trang đã làm tốt việc tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư, kiến nghị, phản ánh; nắm bắt và giải quyết kịp thời các kiến nghị đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ. Điển hình như: Sở Giáo dục và Đào tạo mở 54 cuộc đối thoại được lồng ghép thông qua các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, qua kiểm tra tại các trường học trong tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 8 cuộc đối thoại giữa Giám đốc Sở tại các huyện trong tỉnh... Điểm dễ nhận thấy là tại các cuộc đối thoại, cấp ủy, chính quyền các cấp bám sát văn bản hướng dẫn để triệu tập đúng thành phần; tại hội nghị tập trung đi thẳng vào vấn đề cần đối thoại, có trọng tâm, trọng điểm; không khí đối thoại bảo đảm trang trọng, cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, cùng trao đổi, bàn bạc, thống nhất trước khi cấp có thẩm quyền ra quyết định. Sau khi kết thúc hội nghị đối thoại với nhân dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức rút kinh nghiệm; ban hành thông báo kết luận, trong đó xác định rõ nội dung, nhiệm vụ công việc giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền có liên quan giải quyết; theo dõi, đôn đốc các cơ quan có liên quan thực hiện nội dung thông báo đảm bảo tiến độ... nhiều ý kiến được trả lời trực tiếp tại hội nghị hoặc trả lời bằng văn bản gửi tới người dân. Qua đó, giải quyết kịp thời các kiến nghị, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Việc thực hiện nghiêm túc Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp đối thoại với Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đã kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc của nhân dân, không để xảy ra các điểm nóng phát sinh ở cơ sở. Qua đó, phát huy tốt hơn quy chế dân chủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tạo đồng thuận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới