Nâng cao nhận thức và tích cực phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dịch, góp phần bảo vệ đàn vật nuôi và giảm thiểu thiệt hại cho người sản xuất, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Lừ Văn Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về nội dung này, trân trọng giới thiệu tới bạn đọc:

Các lực lượng chức năng huyện Thuận Châu tiêu hủy số lợn mắc bệnh.
Ảnh: Thanh Huyền

P.V: Liên tiếp trong 2 ngày 13 và 14/3, huyện Thuận Châu đã công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn xã Mường É và xã Mường Bám, ông nhận định gì về khả năng xâm nhiễm đối với đàn lợn ở tỉnh ta?

Ông Lừ Văn Trường: Theo báo cáo của Cục Thú y từ ngày 1/2/ - 13/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 194 xã, 49 huyện của 17 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Sơn La và Nghệ An) với số tổng lợn bệnh và tiêu hủy là 21.469 con. Tại tỉnh Sơn La, ngày 11/3/2019 đã phát hiện DTLCP tại bản Huổi Ái, xã Mường É, huyện Thuận Châu, chết 5 con. Tiếp theo, ngày 13/3 tại xã Mường Bám phát hiện lợn chết của một số hộ dân.  Ngay sau khi nhận được giấy báo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng I, UBND huyện Thuận Châu, UBND xã Mường É, Mường Bám đã  tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn và khoanh vùng chống dịch.

Phải khẳng định rằng, nuôi lợn ở tỉnh Sơn La theo hình thức chăn nuôi hộ gia đình là chủ yếu, việc thực hiện vệ sinh thú y chuồng trại không được thực hiện hoặc không thường xuyên. Hàng tháng, vẫn phải nhập lợn từ các tỉnh khác để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh. Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của DTLCP tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh giáp ranh với Sơn La, nguy cơ lây lan dịch vào các địa bàn trong tỉnh là rất lớn.

P.V: Là đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống bệnh DTLCP, Chi cục đã triển khai  những biện pháp cấp bách như thế nào để ngăn chặn và dập dịch, thưa ông?

Ông Lừ Văn Trường: Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xâm nhiễm vào Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT,  Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành: Công văn số 3060/UBND-KT ngày 06/9/2018 của UBND tỉnh Sơn La về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào Việt Nam; Công văn số 3204/UBND-KT ngày 15/9/2018 của UBND tỉnh Sơn La về việc thực hiện Công điện 1194/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam; Quyết định số 3269/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP. Sở đã hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các ngành liên quan các biện pháp thực hiện ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Sơn La (Công văn số 2289/SNN-CNTY ngày 7/9/2018).

Khi xuất hiện bệnh DTLCP tại một số tỉnh của Việt Nam, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT  trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 498/QĐ-UBND ngày 1/3/2019, Quyết định số 572/QĐ-UBND ngày 8/3/2019 về việc thành lập các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời (cả đường bộ và đường sông) trên địa bàn các huyện Phù Yên, Vân Hồ để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh.

Để chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn tỉnh, Sở đã tham mưu ban hành Quyết định số 573/QĐ-UBND ngày 9/3/2019 về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, Sở cũng đã tham mưu hướng dẫn hoạt động của các chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời, xây dựng đề cương tuyên truyền về phòng chống bệnh DTLCP. Đồng thời, dự trù vật tư hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, bao gồm: 11.224 lít hóa chất Bencocid, 1.800 khẩu trang, 306 đôi ủng cao su, 4.000 mũ đội đầu, 1.016 đôi găng tay cao su, 1.000 bộ quần áo dùng 1 lần, 1.045 bộ quần áo dùng nhiều lần, 1.700 bánh xà phòng, 11 chiếc máy phun động cơ, 10 chiếc bình phun tay. Tại bản Huổi Ái, xã Mường É (Thuận Châu), địa phương đầu tiên của tỉnh ghi nhận đàn lợn bị nhiễm bệnh DTLCP, ngoài việc tiêu hủy toàn bộ số lợn nuôi trong bản, các ngành chức năng đã phối hợp với bản thực hiện dùng hóa chất Bencocid phun tiêu độc khử trùng gần 10.000 m² khu vực chăn nuôi của các hộ gia đình, với tần xuất 1 lần/ngày (tuần đầu), 3 lần/tuần thứ 2 và tuần thứ 3 và thứ 4 là 1 lần/tuần, kết hợp dùng vôi bột rắc vào khu vực chăn nuôi và các tuyến đường trong bản. Xã Mường Bám cũng sẽ tiến hành các bước phun hóa chất tiêu độc, khử trùng như thực hiện tại xã Mường É.

Cán bộ thú y huyện Thuận Châu thực hiện phun tiêu độc, khử trùng tại địa bàn bản Huổi Ái, xã Mường É.
Ảnh: Thanh Huyền

P.V: Tâm lý của người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang có những lo lắng, dao động, ông có khuyến cáo gì?

Ông Lừ Văn Trường: Trước diễn biến tình hình bệnh DTLCP như vậy,  khuyến cáo người chăn nuôi cần phải biết sàng lọc thông tin, tiếp nhận thông tin từ những nguồn chính thống để tránh những nhận định sai. Tăng cường vệ sinh cơ giới, khử trùng tiêu độc: rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khu chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Hạn chế người đi vào khu vực chăn nuôi. Nhập con giống phải đảm bảo, có nguồn gốc rõ ràng, mua từ các cơ sở an toàn dịch, được kiểm dịch thú y. Cần thực hiện tốt “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để cho lơn ăn. Đồng thời, khi phát hiện lợn có biểu hiện bệnh, phải báo ngay cho thú y bản, xã, UBND xã, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để lấy mẫu gửi xét nghiệm và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.

P.V: Để bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển, ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng để họ không “tẩy chay” các sản phẩm từ thịt lợn?

Ông Lừ Văn Trường: Bệnh DTLCP không lây sang người, nên người tiêu dùng không nên lo sợ; không tẩy chay sản phẩm an toàn không bị bệnh và được chế biến hợp vệ sinh. Người tiêu dùng nên mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có kiểm dịch của cơ quan thú y và nên nấu chín kỹ trước khi dùng. Tránh ăn các sản phẩm như: nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...

P.V: Xin cảm ơn ông!

 Khánh Vân (thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới