Nâng cao hiệu quả thương lượng và thực hiện thỏa ước lao động tập thể

Phát huy vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, những năm qua, các tổ chức công đoàn từng bước nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Hội thảo nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết

và thực hiện thỏa ước lao động tập thể do LĐLĐ tỉnh tổ chức.

Tuy nhiên, việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, còn nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được thỏa ước lao động tập thể, thỏa ước lao động tập thể ngành, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp, trong đó 91 doanh nghiệp có CĐCS. Trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, hằng năm, CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động, để đoàn viên công đoàn, người lao động được tham gia ý kiến xây dựng, bổ sung vào kế hoạch hoạt động, quy chế nội bộ... Đồng thời, CĐCS chủ động đối thoại với chủ doanh nghiệp, đại diện người lao động ký thỏa ước lao động doanh nghiệp. Đến nay, có 73/91 doanh nghiệp có CĐCS thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; 6 tháng đầu năm, có 57 bản thỏa ước lao động tập thể được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, doanh nghiệp, phù hợp với nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động; ký mới 5 bản thỏa ước lao động tập thể. Việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cơ bản đúng quy trình đảm bảo những nội dung quy định, là cơ sở thực thi chính sách, pháp luật cho người lao động ở doanh nghiệp. Nhiều bản thỏa ước có lợi hơn, đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho người lao động, phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp, tập trung vào những vấn đề, như: Tiền lương, chế độ phúc lợi, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất... Điển hình là thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể ở Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ Mộc Châu... Việc tổ chức đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp đã kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, không để xảy ra đình công, ngừng việc tập thể. Tuy nhiên, vẫn còn có những bản thỏa ước lao động tập thể chưa đảm bảo theo quy định; thương lượng chưa thực chất, chưa đúng trình tự, quy định; một số thỏa ước chủ yếu sao chép lại quy định của luật, không có điều khoản có lợi hơn cho người lao động... Đối với những doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn sẽ thông qua Công đoàn cấp trên cơ sở để ký thỏa ước lao động tập thể ngành, song thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chưa ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp hoặc thỏa ước lao động tập thể ngành.

Qua tìm hiểu, phân tích thì nguyên nhân chủ yếu là: Nhiều CĐCS chưa tích cực, chưa chủ động thương lượng để ký thỏa ước, hoặc còn thiếu kỹ năng trong thương lượng với chủ doanh nghiệp, hạn chế về kiến thức pháp luật liên quan tới quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, nên thỏa ước lao động chưa mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động. Cán bộ CĐCS đều kiêm nhiệm, hưởng lương trực tiếp từ doanh nghiệp nên còn ngại va chạm với người sử dụng lao động; năng lực, kỹ năng hoạt động công đoàn hạn chế. Vai trò của Công đoàn cấp trên cơ sở không được pháp luật quy định cụ thể nên khó thực hiện một số việc tham gia trực tiếp cùng CĐCS. Nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến hoạt động công đoàn nên khó thành lập tổ chức công đoàn; việc phối hợp tổ chức hội nghị lao động, đối thoại gặp nhiều khó khăn. Bản thân người lao động vẫn còn tư tưởng làm công ăn lương, chưa nghiên cứu những quy định liên quan tới bảo vệ quyền và lợi ích của mình, nên thiếu kiến thức trong việc tham gia ý kiến vào bản thỏa ước lao động tập thể...

Để nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thời gian tới, các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động, người lao động về thỏa ước lao động tập thể. Tiếp tục củng cố hệ thống tổ chức CĐCS khối doanh nghiệp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp; động viên người lao động tích cực tham gia các hoạt động của CĐCS để phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ công đoàn, rèn luyện kỹ năng thương lượng, đàm phán, công tác tập hợp đoàn viên. Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp... đảm bảo có lợi hơn cho người lao động so với quy định của luật.

Với những giải pháp đồng bộ, từ nay đến hết nhiệm kỳ vào năm 2023, các cấp công đoàn phấn đấu 100% doanh nghiệp đã thành lập CĐCS ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, tiến tới thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể ngành, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động yên tâm lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phạm Thị Phương Thảo

(Trường Chính trị tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới