Mùa xuân thắm màu cờ Tổ quốc

Quốc kỳ ở Trường Sa khác đất liền ở chỗ nhanh bạc màu vì nắng gió, vì biển mặn mòi. Vì thế, thay cờ cũng là một nhiệm vụ quan trọng của bộ đội đảo. Giữa mênh mông trời biển, lá cờ đỏ sao vàng mang hồn thiêng dân tộc luôn được người lính Trường Sa bảo vệ bằng cả mạng sống của mình.

Chào cờ trên Đảo Song Tử Tây (Trường Sa).

Máu các anh đã thắm trong lá cờ Tổ quốc

 

Chúng tôi may mắn được tham gia lễ chào cờ trên đảo Song Tử Tây. Khi hiệu lệnh chào cờ vừa dứt, những ánh mắt hướng lên Quốc kỳ, đồng vang lời Quốc ca hào hùng. Lúc này, giữa biển, đảo thiêng liêng, trên cao là lá cờ Tổ quốc, bài Quốc ca càng thấm đượm ý nghĩa. Sự hiện diện của Quốc kỳ ở Trường Sa chính là biểu tượng khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Lá cờ ấy đã thấm mồ hôi, máu và nước mắt của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân.

Với chúng tôi, như vẫn hiện hữu đâu đây hình ảnh 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân kết thành “Vòng tròn bất tử” cùng lá cờ Tổ quốc; vẫn nghe vang vọng đâu đây, tiếng sóng biển thì thầm gọi tên: Anh hùng, liệt sỹ-Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng, liệt sỹ-Đại uý Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng Tàu HQ 604... Anh hùng LLVT nhân dân-Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma dũng cảm giành lại lá cờ Tổ quốc khi quân địch lao vào cướp cờ và anh trúng đạn. Trước lúc hy sinh, Thiếu uý Trần Văn Phương vẫn quấn cờ Tổ quốc quanh mình và hô lớn: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ...!”...

Đồng chí Trương Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông xúc động nói: Dự lễ chào cờ trên đảo, lòng tôi nghẹn lại vì cảm nhận sâu sắc rằng, để bảo vệ được chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bao lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã phải đổ mồ hôi, máu và nước mắt. Chúng tôi tự nhủ lòng mình phải trách nhiệm hơn với Trường Sa, với Tổ quốc để xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các anh cho Quốc kỳ Việt Nam mãi hiện diện trên biển, đảo Trường Sa.  

 

Màu cờ vẫy gọi những chồi xanh

 

Ở Trường Sa-nơi “Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa” (Nguyễn Việt Chiến), ngoài “cơn sóng cuồng bạo” của tham vọng cường quyền còn có “cơn sóng dữ” của thiên nhiên luôn thách thức ý chí kiên cường, bất khuất của những người con đất Việt.

Vừa qua, nhiều bài báo đã viết về Trường Sa, DK trong bão số 16 nhưng có lẽ chỉ những người ở đảo, nhà giàn mới cảm nhận sâu sắc nhất. Bão đến, bão đi, niềm phấn khởi của chúng ta là người và vũ khí trang bị an toàn tuyệt đối nhưng dấu vết sau bão còn đó khi: những con sóng đã đánh trùm qua đảo, nhà giàn; kè chắn sóng, công sự, những đồ vật nặng hàng tấn cũng bị xô đi. Hệ thống năng lượng sạch bị hỏng. Nhiều cây xanh bị quật ngã. Giếng khai thác tầng nước mặt và vườn rau xanh bị nhiễm mặn...

Nhưng không có khó khăn, gian khổ nào không thể vượt qua, Quân chủng Hải quân đang tập trung khắc phục những hậu quả này. Đến nay, cơ sở vật chất hạ tầng ở Trường Sa được khắc phục một phần, hệ thống cây xanh bị đổ được trồng lại, vườn rau nhiễm mặn được cải tạo, khu nhà kính trồng rau được sửa chữa, gieo trồng rau mới...

Anh Phạm Sỹ Thành, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam vừa trở về từ Trường Sa cho biết: Khi đi, chúng tôi đã chuẩn bị những lời tâm huyết để động viên bộ đội Trường Sa. Nhưng đến nơi, chính chúng tôi được động viên trở lại. Chứng kiến đời sống huấn luyện, công tác của anh em, chúng tôi thấy mình phải cố gắng hơn trong cuộc sống khi về với đất liền.

Tết Trường Sa năm nay, đào, mai, câu đối vẫn rực rỡ trên các đảo; những nồi bánh chưng nóng hổi, thơm lừng... Đây đó quanh đảo tiếng trẻ con vui đùa ríu rít, quân và dân trò chuyện với nhau về tình cảm đất liền, biển, đảo; về sức sống và niềm tin; về ngày mai Trường Sa sẽ yên bình... Lá cờ Tổ quốc ở Trường Sa vẫn tung bay phất phới. Màu cờ đỏ thắm, đỏ như màu lửa. Các màu lửa ấy như đang thúc giục, như đang vẫy gọi những chồi xanh cựa mình bật dậy, vươn lên.

Tiến bước dưới quân kỳ

Dịp này, các đoàn khách ra đón tết sớm cùng với đảo lại được tham dự lễ chào cờ Tổ quốc thiêng liêng: Gương mặt trang nghiêm của cán bộ, chiến sĩ thể hiện quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều phụ nữ xúc động vội lau nước mắt. Những “chú Hải quân con” hướng đôi mắt lên quốc kỳ đầy mãnh liệt như muốn tiếp nối cha ông giữ biển, đảo quê hương...

Khi lời quốc ca vừa dứt, 10 lời thề danh dự của quân nhân vang lên hùng hồn, trang trọng, đanh thép thể hiện ý chí, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ. Đại úy Đàm Xuân Hùng, Phó Chỉ huy trưởng Cụm Chiến đấu 1, đảo Song Tử Tây khẳng định: Chúng tôi ý thức sâu sắc ý nghĩa việc đọc mười lời thề danh dự của quân nhân. Qua đó, mỗi quân nhân rèn luyện bản lĩnh, nâng cao nhận thức chính trị và xác định quyết tâm, trách nhiệm góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tiếp đó, trong nền nhạc bài “Tiến bước dưới quân kỳ”, từng khối cán bộ, chiến sĩ trên đảo nổi thực hiện nghi thức duyệt đội ngũ với khí thế hào hùng, tác phong oai nghiêm như khẳng định ý chí, quyết tâm của bộ đội đảo.

Những lá cờ Tổ quốc khi “nhuộm màu nắng gió” Trường Sa sẽ được các đảo cất giữ cẩn thận, làm quà kỷ niệm cho các đoàn khách đất liền. Những lá cờ ấy được lưu giữ trang trọng trong Nhà truyền thống các địa phương để các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ chiêm nghiệm về chủ quyền biển, đảo. Lá cờ ấy đại diện cho Trường Sa, cho Tổ quốc nơi đầu sóng, là động lực để mỗi người dân Việt Nam thêm tự hào, tin tưởng ở Trường Sa.

Thùy Liên (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới