Mùa măng trên đỉnh Háng Đồng

Khi tiết trời chuyển sang thu cũng là lúc những người dân vùng cao, xã Háng Đồng (Bắc Yên) cùng nhau lên rừng hái măng trúc. Từ một món ăn dân dã hàng ngày của đồng bào dân tộc vùng cao, đến nay, măng trúc Háng Đồng đã trở thành đặc sản được nhiều người biết đến. Đây không chỉ là quà tặng của núi rừng mà còn là một phần văn hóa ẩm thực dân tộc của đồng bào vùng cao Bắc Yên.

 

Người dân xã Háng Đồng sơ chế măng trúc.

 

Cứ vào độ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, người dân xã Háng Đồng lại lên rừng hái măng về bán để kiếm thêm thu nhập. Việc hái măng rừng tưởng dễ dàng nhưng rất vất vả, thậm chí gặp nguy hiểm, nên những người đi hái măng rừng chủ yếu là nam giới, có sức khỏe, thông thạo địa hình rừng núi. Hơn 6 giờ sáng, anh Sồng A Sua ở bản Háng Đồng đã cùng nhóm trai tráng trong bản vào rừng. Anh chuẩn bị đầy đủ ủng, găng tay, dao, bao đựng và nước uống. Anh Sua chia sẻ: Muốn lấy được nhiều măng, phải chịu khó đi xa vào rừng, dốc cao, nhiều hôm trời mưa gió đường trơn trượt rất dễ tai nạn. Người đi lấy vài ký măng về ăn thì không khó, nhưng để lấy được vài chục cân để bán thì phải có “nghề”, phải biết xoay vòng ở mỗi vùng rừng. Hôm nay lấy vùng này thì mai lấy vùng khác, rồi mấy ngày sau mới quay lại vùng ban đầu.

 

Mặc dù đi hái măng rừng gian truân, nhọc nhằn, nhưng đem lại thu nhập khá. Ban ngày miệt mài, cần mẫn leo núi hái măng, buổi tối ngồi bóc vỏ, luộc măng rồi sáng hôm sau đem bán. Thông thường, măng lấy về được phân loại rồi tách lớp vỏ bên ngoài, sau đó luộc qua và ngâm trong nước để giữ màu và độ tươi ngon. Người bóc vỏ măng cũng phải khéo léo để tránh bị ngứa và có được những mẻ măng bắt mắt. Măng trúc hiện được thị trường ưa chuộng, nhiều thương lái tìm đến tận nơi thu mua với giá trung bình 15.000 đồng/kg. Những người chăm chỉ, khỏe mạnh, mỗi mùa có thể thu nhập thêm từ 15-20 triệu đồng.

 

 

Sản phẩm măng trúc muối ớt Háng Đồng đạt sản phẩm 3 sao

chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sơn La năm 2019.

 

Những năm gần đây, vào mùa măng các HTX trên địa bàn đứng ra thu mua tập trung và chế biến tại chỗ, nên giá bán tương đối ổn định. Anh Thào A Trống, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dược liệu Háng Đồng cho biết: Từ khi thành lập HTX, các sản phẩm nông sản, dược liệu của bà con đều được HTX đứng ra bao tiêu, bà con không phải lo tìm đầu ra như trước nữa. Vụ măng năm nay, mỗi ngày HTX thu mua từ 2-5 tấn măng với giá 15.000 đồng/kg. Để kịp sơ chế bán cho các công ty dưới Hà Nội, HTX đã thuê 100 lao động làm việc. HTX còn làm sản phẩm măng trúc muối ớt để bán ra thị trường, mỗi hộp 1kg có giá bán từ 75.000 đồng. Sản phẩm măng trúc muối ớt đã đạt sản phẩm 3 sao chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sơn La năm 2019 và đang được thị trường miền xuôi ưa chuộng.

 

Theo ông Mùa A Chơ, Chủ tịch UBND xã Háng Đồng: Trên địa bàn xã có hơn 40 ha măng trúc chủ yếu tập trung ở 2 bản Háng Đồng và Háng Đồng C. Để duy trì diện tích và sản lượng măng, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn lâm sản này. Đồng thời, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng măng trúc, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc và nâng cao thu nhập cho người dân. Đó cũng là cách giúp người dân sống bằng nghề rừng và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới