Mỗi người, mọi người cùng hành động vì người nghèo

17/10 hằng năm là Ngày thế giới chống đói nghèo của Liên hợp quốc; đồng thời, cũng là Ngày vì người nghèo của nước ta. Tháng cao điểm vì người nghèo năm nay bắt đầu từ 17/10 đến 18/11, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.

Ngồi ngay ngắn trên ghế, ông trung niên xúc động:

- Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách" quý báu của dân tộc, các tổ chức, cá nhân, đoàn thể đã quyên góp hàng nghìn tỷ đồng thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, ủng hộ hàng trăm nghìn công lao động cùng các vật phẩm có giá trị hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở và các điều kiện khác cho hộ nghèo, người nghèo. “Ngày vì người nghèo” thực sự là cuộc vận động mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, không những giúp nâng cao đời sống cho người nghèo, thực hiện an sinh xã hội mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước; huy động mọi tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm cả trong và ngoài nước hướng về người nghèo, giúp đỡ người nghèo.

Chung quan điểm với chủ tọa, bác da ngăm ngăm gật gù:

- Tháng cao điểm “Vì người nghèo” càng có ý nghĩa xã hội to lớn. Hằng năm, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp thực tiễn để ủng hộ, giúp đỡ, chăm lo cho người nghèo, hộ nghèo một cách thiết thực, hiệu quả, coi đó là tình cảm và trách nhiệm đối với đồng bào, đồng chí mình, nhất là người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai nặng nề... Trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách, đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng cho các chương trình, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội ở các xã, bản đặc biệt khó khăn. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã có những cách làm hay, việc làm hiệu quả giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, từ tiết kiệm chi tiêu, trích quỹ phúc lợi, dành ít nhất mỗi người một ngày lương, góp công lao động, hỗ trợ đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ học tập, tư vấn, hướng dẫn cách làm kinh tế, chăm sóc sức khỏe...

Chớp chớp mắt, anh chàng nhỏ thó nêu ý kiến:

- Ngoài nguồn lực Nhà nước, cộng đồng xã hội hỗ trợ, chính hộ nghèo, người nghèo cần nâng cao nhận thức, ý thức, hết sức nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng, tự lực cánh sinh vượt qua khó khăn, tự tin vươn lên có mức sống trung bình và khá so với mặt bằng chung trong xã hội. Cũng rất nên thực hiện chủ trương giảm hỗ trợ cho không, tăng hỗ trợ có điều kiện, tăng cơ hội tiếp cận chính sách, nhằm khuyến khích tính tích cực, chủ động của người nghèo; không cho không mà cho vay; không cho trước mà cho sau đối với những mô hình kinh tế thành công, hiệu quả; không hỗ trợ, giúp đỡ cào bằng mà tập trung vào những khâu then chốt; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn; nghiên cứu đặc điểm thổ nhưỡng, tập quán từng vùng miền, đưa ra ngành nghề phù hợp… nghĩa là chọn phương pháp hỗ trợ “cho cần câu chứ không cho con cá”!

Suy tư một hồi, ông trung niên nói thêm:

- Trong Tháng cao điểm vì người nghèo, mỗi người, mọi người hãy làm một việc thiết thực giúp hộ nghèo, thực hiện hiệu quả các dự án xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát, chống lãng phí, tiêu cực để từng đồng vốn, từng món quà được đưa đến tận tay hộ nghèo, người nghèo, xã nghèo, vùng nghèo nhanh nhất, kịp thời nhất, hiệu quả nhất. Rà soát danh sách các hộ nghèo đảm bảo chính xác, đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, đúng địa chỉ và nơi cần hỗ trợ, giúp đỡ, làm lan tỏa hiệu ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thể hiện rõ nhất, đầy đủ nhất trách nhiệm, tình cảm và truyền thống, đạo lý quý báu của dân tộc đối với người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Các chú thấy thế nào?

Quang Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới