Lóng Sập chuyển mình

Những ngày chớm đông, chúng tôi có chuyến công tác trở lại xã biên giới Lóng Sập để ghi lại sự chuyển mình của một xã biên giới đặc biệt khó khăn, nay được công nhận là xã vùng 2 của huyện Mộc Châu.

 

Người dân bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập (Mộc Châu) thu hoạch lúa mùa.

Xã Lóng Sập có diện tích tự nhiên trên 11.026 ha với gần 1.000 hộ dân, thuộc các dân tộc Thái, Mông, Kinh cùng chung sống ở 14 bản, đặc biệt là xã biên giới có  23,8 km đường biên, giáp với huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Là xã có diện tích tự nhiên lớn, nhưng chủ yếu là đất đồi núi dốc, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có gần 1.700 ha. Những năm trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, lúa nương và dong riềng. Trải qua nhiều năm canh tác, đất đai đã bạc màu, nên năng suất lúa, ngô không cao. Theo chia sẻ của người dân Lóng Sập, trồng lúa nương để phục vụ sinh hoạt của gia đình, còn đối với sản phẩm ngô hạt, dong riềng được sản xuất ra, thường bị tư thương ép giá, do xã nằm cách xa trung tâm huyện. Mặc dù có cửa khẩu Lóng Sập phục vụ cho việc giao thương của hai nước Việt - Lào, song chưa phát huy hết thế mạnh.

Để hiểu hơn về những nỗ lực của người dân Lóng Sập trong việc thay đổi tập quán sản xuất, chúng tôi về bản Phiêng Cài. Đã hơn 11 giờ, nhưng từng đoàn xe máy vẫn nườm nượp chở dong riềng từ trên nương về các gia đình. Đây là vụ thu dong riềng chính trong năm, nên người dân nhanh chóng thu hoạch, đóng bao và đưa về nhà chờ tư thương đến thu mua, vì nếu bảo quản tốt dong riềng sẽ được giá. Dừng chân ở một nương dong riềng, hỏi chuyện anh Tráng A Của, bản Phiêng Cài, anh Của cho biết: Lóng Sập có thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa thất thường, nên trồng cây gì cũng khó, năng suất đạt thấp. Những năm trước đây, gia đình tôi trồng ngô, lúa chỉ đạt 4-4,5 tấn/ha chỉ đủ để phục vụ cuộc sống, còn dong riềng đạt 8-10 tấn/ha, bán với giá 1.100 - 1.300 đồng/kg. 2 năm trở lại đây, tôi đã chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất nương sang trồng chanh leo, đến nay đã cho thu hoạch, giá bán ra thị trường được 22.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với dong riềng đang được tư thương mua với giá 1.500 đồng/kg.

Trở lại trụ sở UBND xã để tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của xã trong những năm qua. Trò chuyện với bà Vì Thị Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã, được biết, thực hiện chủ trương của HĐND tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây lương thực đạt năng suất thấp, xã Lóng Sập đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả. Từ các nguồn vốn khuyến nông và nguồn vốn của Chương trình 135 hỗ trợ các loại cây giống như: Nhãn, xoài, cam... đến hết tháng 10/2018, Lóng Sập đã trồng mới gần 104 ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cây ăn quả của xã lên trên 200 ha, trong đó, nhiều diện tích đã cho thu vụ quả năm đầu tiên. Bên cạnh đó, xã còn khuyến khích bà con đưa các loại cây trồng năng suất cao vào sản xuất như: Bí đỏ, bí xanh, chanh leo... đồng thời, ghép mắt, cải tạo vườn tạp hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển kinh tế bền vững.

Đáng mừng là người dân đã nâng cao nhận thức phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; thực hiện tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi; trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng; mở rộng quy mô chăn nuôi đàn gia cầm làm hàng hóa... Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển nhanh, hiện toàn xã có 2.700 con trâu, bò; trên 1.800 con lợn và trên 18.000 con gia cầm các loại, góp phần nâng thu nhập ở xã lên 11 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng ở xã cũng có nhiều khởi sắc, ngoài tuyến quốc lộ 43 và tuyến đường tuần tra biên giới của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập được nâng cấp, mở rộng, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân các bản trong xã cùng đóng góp ngày công tham gia đổ bê tông 24 tuyến đường liên bản, nội bản với chiều dài gần 5 km; trụ sở UBND xã, các trường học được xây dựng khang trang tạo diện mạo mới cho xã biên giới Lóng Sập.

Để Lóng Sập thực sự phát triển bền vững, chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thâm canh tăng vụ, nhất là sản xuất vụ đông để tăng thêm thu nhập. Thực hiện việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; trồng thêm cỏ voi và tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp chủ động thức ăn phục vụ chăn nuôi, nhất là trong vụ đông... Bằng nhiều cách, xã đã và đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng vùng đất biên cương ngày một khởi sắc.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới