Liên kết các hộ nuôi ong mật theo hướng bền vững

Sản phẩm mật ong Sơn La được thị trường ưa chuộng, đánh giá cao và đạt được nhiều danh hiệu, như: Huy chương Vàng thành tựu kinh tế kỹ thuật năm 1983-1984; Cúp vàng năm 2005, 2006, 2009; năm 2012 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể “Mật ong Sơn La”... Trong thành công đó, có đóng góp tích cực của 12 thành viên Trung tâm ong Sơn La, Tổ 2, phường Chiềng Sinh (Thành phố) sản xuất mật ong theo quy trình VietGAP; tích cực mang sản phẩm mật ong Sơn La tham gia nhiều hội chợ, triển lãm...

 

Các thành viên Trung tâm ong Sơn La kiểm tra phòng bệnh cho đàn ong.

 

Theo lời kể của ông Hồ Sâm, Giám đốc Trung tâm ong Sơn La: Khi tỉnh thành lập Trại Ong Sơn La năm 1965, ông được điều từ Ty Nông nghiệp về đó và được cử đi học lớp kỹ thuật nuôi ong 8 tháng ở Hà Nội. Trải qua những thăng trầm, Trại ong đổi tên thành Quốc doanh ong, Công ty ong, bản thân ông Sâm từ nhân viên, rồi giữ chức Trại phó, Trại trưởng, Chủ nhiệm, Giám đốc. Sau khi Công ty ong giải thể, năm 1993, ông Sâm đã vận động 11 cán bộ, nhân viên chủ chốt đã thành lập Trung tâm ong Sơn La. Ông Sâm bảo: Trung tâm hoạt động với phương châm là tổ chức khuyến nông tư vấn cho người nuôi ong và thu mua sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nhiều hộ nuôi ong, nhằm duy trì và thúc đẩy phong trào nuôi ong phát triển.

Thấm thoát Trung tâm ong Sơn La đã duy trì hoạt động 25 năm nay, những thành viên sáng lập đã ngược xuôi cùng đàn ong theo các nẻo đường hoa trong và ngoài tỉnh, nay đã tóc bạc, chân chậm, vẫn gắn bó với nghề và truyền lại cho con, cho nhiều người khác. Hiện, Trung tâm ong có khoảng 2.200 đàn ong ngoại. Bình quân mỗi năm một đàn ong sản xuất trên 50 kg mật, 5-10 kg phấn, 1 kg sáp và một số sản phẩm sữa ong chúa; thu lời trên 1 triệu đồng/đàn/năm. Tiêu biểu, như: Gia đình ông Hồ Sâm có 1.000 đàn ong, ông Nguyễn Văn Trường có 200 đàn ong, ông Lương Ngọc Tân có 200 đàn ong...

Trước đây, Trung tâm sản xuất theo số lượng, những năm gần đây, sản xuất theo nhu cầu thị trường và đặc biệt chú trọng đến chất lượng với việc sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP. Trong quá trình sản xuất, các hộ thành viên Trung tâm ong Sơn La được cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thường xuyên đến nhắc nhở, hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát, kiểm tra, xác nhận chất lượng sản phẩm; cấp tem mác sản phẩm. Năm 2014, các hộ nuôi ong của Trung tâm ong được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu tập thể “Mật ong Sơn La”.

Theo kinh nghiệm của ông Sâm: Sơn La có nguồn hoa phong phú từ rừng, cây ăn quả, rất thuận lợi cho phát triển nghề ong. Cần nghiên cứu kỹ đặc điểm sinh học của ong, đây là “chìa khóa mở” đối với người nuôi ong, để biết cách chăm sóc, xử trí khi ong bị bệnh. Phải nắm rõ các nguồn hoa nở từng mùa, từng vùng và căn cứ vào thị trường để đưa ong đến lấy mật. Trước 20 ngày khi vào vụ thu hoạch, cần chuẩn bị đàn ong khỏe mạnh nhất, đông nhất để ong có sức lấy được mật, phấn nhiều nhất có thể; sau khi thu hoạch phải phục hồi, dưỡng ong để duy trì đàn. Vụ thu hoạch sản phẩm từ ong mật tập trung vào tháng 3-4, đây là thời điểm hoa rừng, hoa nhãn, hoa cà phê nhiều và cũng là thời điểm ít mưa nên chất lượng mật cao, thủy phần trong mật thấp.

Mang cho chúng tôi xem Giấy mời của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, ông Sâm phấn khởi: Sản phẩm của Trung tâm có mặt ở nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc. Sắp tới, chúng tôi được tỉnh tạo điều kiện cho tham gia giới thiệu sản phẩm tại Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc). Trung tâm đã chuẩn bị các sản phẩm chất lượng cao, hy vọng sẽ tìm được đối tác tiêu thụ sản phẩm ổn định. Trước đó, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, Trung tâm đã gửi sản phẩm sang một số công ty bên Nhật, Mỹ, Hàn Quốc và đã có phản hồi tích cực; đại diện công ty bên Nhật, Hàn Quốc đã về Trung tâm để tìm hiểu, thương thảo về số lượng, chất lượng và giá cả.

Chia sẻ những dự định tương lai, ông Hồ Sâm cho biết: Qua tiếp xúc với các đối tác nước ngoài thì điều họ quan tâm đầu tiên đến sản phẩm mật ong là chất lượng. Do vậy, Trung tâm đang làm thủ tục thành lập HTX nuôi ong để liên kết các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP, đáp ứng yêu cầu của các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Tin rằng, với hướng đi đúng đắn, Trung tâm ong Sơn La sẽ bước sang trang mới, góp phần đưa nghề nuôi ong mật của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng ổn định, bền vững.

Minh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới