Ký ức ngày giải phóng

Là một trong những người của quê hương Sơn La được chứng kiến thời khắc lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Những năm tháng oanh liệt đó là niềm tự hào và cũng là động lực để Cựu Chiến binh Ngần Văn Khẳm, bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa (Vân Hồ) tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

 

Ông Ngần Văn Khẳm, bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa (Vân Hồ) chăm sóc vườn chè.

Năm 1974, khi tròn 18 tuổi, chàng thanh niên trẻ Ngần Văn Khẳm đã viết đơn xin nhập ngũ và được phân công về đơn vị C4 - Đoàn 218, thuộc lực lượng an ninh vũ trang Sài Gòn. Thời gian đó, đơn vị ông Khẳm được giao nhiệm vụ vũ trang chuẩn bị mọi điều kiện để đảm bảo an ninh Sài Gòn - Gia Định và giải giáp vũ trang của quân đội Việt Nam cộng hòa trong ngày giải phóng.

Bên ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái, ông Khẳm kể lại cho chúng tôi những sự kiện đã diễn ra vào ngày lịch sử của dân tộc. Ông nhớ lại: Trong hai ngày 29 và 30/4, tôi và một số đồng đội hoạt động ở Quận 4 và huyện Nhà Bè để chuẩn bị điều kiện cho các cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn - Gia Định. Khoảng 9-10 giờ sáng ngày 30/4, nhân dân Sài Gòn - Gia Định cùng các lực lượng kháng chiến Nam Bộ đánh chiếm các đồn cảnh sát để mở đường cho quân ta tiến vào Dinh Độc Lập. Tình hình khi đó hết sức hỗn loạn, bởi quân địch chống trả quyết liệt tại nhiều điểm ngã ba, ngã tư trên đường tiến quân của ta. Đến trưa ngày 30/4, lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh được phát đi, khoảnh khắc đó ông Khẳm vẫn còn nhớ như in: Khi nghe lời tuyên bố đầu hàng phát đi, cả đơn vị tôi ôm nhau mà khóc vì quá hạnh phúc với ngày non sông thu về một mối. Trên khắp các ngả đường của Sài Gòn rợp cờ giải phóng cùng màu xanh của áo lính, của mũ tai bèo, người dân đổ ra đường cùng chia vui mừng ngày chiến thắng của dân tộc.

Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi về cuộc sống của mình tại miền Nam sau ngày đại thắng lịch sử của dân tộc, ông Ngần Văn Khẳm cho biết mình có thể trở lại quê hương ngay sau đó, nhưng ông đã tình nguyện ở lại để góp sức xây dựng miền Nam. Sau đó, ông được cử về công tác ở các đơn vị 962 thuộc lực lượng Công an vũ trang Cảng Sài Gòn làm nhiệm vụ kiểm soát cầu cảng, giám hộ tàu và huấn luyện tân binh. Tháng 7/1980 ông Khẳm xuất ngũ chuyển về công tác tại UBND xã Chiềng Khoa, huyện Mộc Châu (nay là xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ) và giữ nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt của xã, đến năm 2015, ông nghỉ chế độ. Sau đó, ông được Chi bộ bản Nà Chá tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ bản.

Ở bất cứ vị trí công tác nào, ông Khẳm luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong xã thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao mức sống. Bản thân ông tiên phong trong việc phát triển kinh tế, làm gương để bà con làm theo. Hiện, gia đình ông có 1 ha ruộng lúa được thâm canh các giống lúa mới, năng suất đạt 5-7 tấn/vụ. Ngoài ra, ông còn trồng 3 ha cây chè và cây ăn quả; chăn nuôi 15 con bò. Từ chăn nuôi và trồng trọt, thu nhập của gia đình ông đạt gần 200 triệu đồng/năm. Ông khoe với chúng tôi rằng, ông mới mua 50 cây bơ giống về trồng, ngoài mục đích làm giàu, ông mong muốn rằng qua việc làm của mình, bà con trong bản thấy được lợi ích của việc thay đổi cơ cấy cây trồng, trong đó có cây ăn quả.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Khẳm còn luôn gương mẫu hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với vai trò là Bí thư Chi bộ bản, ông đã vận động bà con trong bản hiến đất, góp tiền và ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, các tuyến đường nội bản, trục bản của Nà Chá đã được cứng hóa; các tiêu chí khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, góp phần cùng xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chia tay ông Ngần Văn Khẳm, chúng tôi thêm cảm phục về người lính “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa - dũng cảm trong chiến đấu; năng động, trách nhiệm trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới hôm nay.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới