“Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững”

Đó là chủ đề của Ngày quốc tế người tiêu dùng năm nay 15/3/2018. Tỏ rõ thái độ và trách nhiệm, nước ta đã gia nhập Tổ chức quốc tế người tiêu dùng (Consumers International - CI) từ năm 1991. Đây là Tổ chức hoạt động không lợi nhuận, luôn kêu gọi, bảo vệ các quyền của người tiêu dùng trên thế giới.

 

Vẻ như từng nghiên cứu kỹ, ông trung niên tóm tắt:

- Các chú cần biết Ngày quốc tế người tiêu dùng thế giới không chỉ cổ vũ, bảo vệ các quyền của người tiêu dùng, mà còn phản đối bất công và lạm dụng thị trường gây thiệt hại đối với người tiêu dùng. Liên hiệp quốc và nhiều nước đã công nhận 8 quyền của người tiêu dùng, gồm: Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được lắng nghe; quyền được khiếu nại và bồi thường; quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng; quyền được có môi trường sống lành mạnh, bền vững. Cùng với đó là 5 trách nhiệm của người tiêu dùng: Biết phê bình; biết hành động; quan tâm đến xã hội; hiểu biết về tiêu dùng; ý thức cộng đồng cao.

Theo cách riêng, bác da ngăm ngăm sôi nổi:

- Nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng, cơ quan chức năng tại các địa phương triển khai các hoạt động mít-tinh, diễu hành, treo băng-rôn, khẩu hiệu trên các tuyến phố, các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông dân cư, nhất là tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự hiểu biết và tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng; mở các cuộc hội thảo, tập huấn, đào tạo theo chủ đề; tri ân doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng; khen thưởng, tôn vinh tổ chức, cá nhân có thành tích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xen vào câu chuyện, anh chàng nhỏ thó thiết thực:

- Tất nhiên, ngoài tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, rất cần nhắc nhở thực thi các văn bản pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phát huy ý thức tôn trọng quyền người tiêu dùng của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại; xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, chủ động bảo vệ bản thân khi tham gia giao dịch, dịch vụ, mua bán hàng hóa. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức xã hội liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vẫn có không ít người tiêu dùng chẳng hề biết quyền của mình đang bị xâm hại, luôn có tâm lý e ngại, thờ ơ, cho đó là việc của cơ quan chức năng…

Nhìn quanh một lượt, ông trung niên bặm môi:

- Chính xác, trên thực tế quyền của người tiêu dùng vẫn còn bị xâm phạm. Dù rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ các hành vi bị cấm: Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn; che giấu, thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác; quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị, quảng cáo trái ý muốn; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài chính, tài sản của người tiêu dùng. Bởi vậy, vừa phải tăng cường thực thi pháp luật, vừa phải xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Để không đánh mất quyền, người tiêu dùng và cơ quan chức năng phải nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm cao với bản thân và cộng đồng; xác định cuộc chiến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải tiến hành liên tục, quyết liệt, không ngừng nghỉ bất cứ ngày nào trong năm. Chỉ là “người tiêu dùng thông thái”, mới bảo đảm “kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững” phải không các chú? 

Quang Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới