Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch

Phiên họp lần thứ 16, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 6/8, do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì, được kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch, không để bùng phát trở lại.

Sau thời gian dịch Covid-19 tạm lắng, đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch ở một bộ phận người dân. Nhiều người sau khi mắc Covid-19 cho rằng bản thân đã miễn dịch nên không thực hiện bất cứ biện pháp phòng dịch nào, cũng không muốn tiêm mũi nhắc lại phòng Covid-19. Việc chủ quan, lơ là, mất cảnh giác xuất hiện, cả về nhận thức, tuyên truyền và chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, nhiều nước phát triển, có nền y tế hiện đại cũng đang bùng phát dịch trở lại. Mức độ nguy hiểm của biến chủng BA.5 của chủng Omicron ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Omicron là chủng phổ biến nhưng chưa phải là cuối cùng và rất có khả năng còn xuất hiện những biến chủng mới khiến các ca nhiễm nặng gia tăng, đặc biệt ở nhóm người dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh lý nền…

Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích và một lần nữa nhấn mạnh, chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng khi năng lực y tế còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh COVID-19, chúng ta bắt buộc phải dùng các biện pháp hành chính để phòng, chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vừa mất nhiều công sức, nguồn lực, vừa nhiều hy sinh, mất mát, vừa ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động của xã hội. Chúng ta đã đúc rút được công thức, phương châm phòng, chống dịch, trong đó thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định. Khi dịch đang diễn biến phức tạp thì địa phương nào cũng đề nghị vaccine, nhưng khi dịch vừa được kiểm soát thì việc tiêm chủng chững lại. Vì vậy cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng; đồng thời đánh giá miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc.

Thủ tướng nhấn mạnh,  tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh; yêu cầu phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch, không để bùng phát trở lại. Các bộ ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện 3 trụ cột phòng, chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị), công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác" và tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trước nguy cơ "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, các bộ, ngành, địa phương và mỗi người phải chủ động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phải đảm bảo nguồn nhân lực, chất lượng y tế dự phòng và hạ tầng, tăng cường y tế cơ sở… trên tinh thần "thống nhất về nhận thức và hành động; quyết liệt và quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn; xác định trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào, dứt điểm việc đó".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chúng ta đã từng chứng kiến những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành nguy hiểm như thế nào, những mất mát đau thương không thể nào quên được, vì vậy, mỗi người dân cần tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cũng như thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng và tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19. Vắc xin vẫn được coi là “vũ khí” quan trọng hàng đầu để phòng, chống đại dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Huy Ngoan
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới