Khó khăn trong công tác quản lý cơ sở rượu thủ công ở Thuận Châu

Thời gian qua, trước thực trạng trên địa bàn cả nước và tỉnh xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu, huyện Thuận Châu đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong thực hiện Nghị định số 105 ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó có công tác cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công, tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn.

 

Cán bộ Trạm Y tế xã Thôm Mòn (Thuận Châu) tuyên truyền về tác hại sử dụng rượu không rõ nguồn gốc cho nhân dân.

Chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Thương, bản Xi Măng, xã Chiềng Pấc (Thuận Châu) khi chị đang ủ men rượu, chị Thương cho biết: Gia đình tôi nấu rượu gần 20 năm nay, xác định nấu rượu là nghề thì phải giữ chữ tín, gia đình đã sử dụng những nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nấu đúng công thức. Khi được cán bộ huyện tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã làm các thủ tục và được cấp giấy phép sản xuất kinh doanh rượu thủ công. Trung bình mỗi ngày, tôi nấu hơn 30 lít rượu để bán đổ cho các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, quán ăn khu vực Thành phố, thị trấn Thuận Châu và các cửa hàng trên địa bàn xã. Khi bán rượu cho các cửa hàng kinh doanh, nhà hàng ăn uống, tôi còn làm hợp đồng mua bán để các cơ quan chức năng kiểm tra và quản lý.

Tìm hiểu được biết, đây là cơ sở duy nhất trên địa bàn huyện Thuận Châu đăng ký và làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công. Dạo qua một số cửa hàng tạp hóa, quán ăn trên địa bàn các xã Chiềng Pha, Chiềng Ly, Thôm Mòn, Chiềng Pấc, Tông Lạnh và thị trấn Thuận Châu, không khó để tìm rượu nấu thủ công. Khi khách có nhu cầu, chủ quán  bán với giá từ 15-40 nghìn đồng/lít tùy loại, nhưng không có nhãn mác. Chúng tôi đến cửa hàng tạp hóa của gia đình chị Lường Thị Dịp, bản Tạng Phát, xã Chiềng Pha tìm hiểu, được biết: Mỗi tháng cửa hàng của chị bán hơn 50 lít rượu cho người dân trong bản, xã uống. Nhưng khi hỏi về quy định nhãn mác của rượu thì chị nói: Tôi chủ yếu lấy rượu của người dân trong vùng nấu nên thấy yên tâm, chứ không quan tâm đến nhãn mác sản phẩm, quy trình nấu sản xuất rượu thế nào.

Còn ông Lò Văn Mích, bản Nà Nam, xã Thôm Mòn, nấu rượu gần chục năm, cho biết: Trung bình mỗi ngày gia đình nấu khoảng 20 lít rượu gạo, mùa đông và Tết Nguyên Đán lượng rượu tiêu thụ cao hơn hoặc khi có khách đặt nhiều, tôi sẽ nấu tăng lên. Năm ngoái, gia đình tôi cũng được huyện, xã tuyên truyền, hướng dẫn về thủ tục đăng ký sản xuất rượu tự nấu; tập huấn về quy trình sản xuất rượu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, mới thấy cần rất nhiều thủ tục như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy khám sức khỏe; hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; phiếu kiểm nghiệm; trong khi đó cơ sở của gia đình nhỏ lẻ nên không đủ điều kiện làm. Mong rằng, các cơ quan chức năng xây dựng quy định để người dân vừa chấp hành tốt quy định của pháp luật, vừa có thu nhập để đảm bảo cuộc sống.

Nghị định 105/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ quy định rõ, sản xuất rượu thủ công do hộ gia đình hoặc tổ chức, cá nhân thực hiện và hoạt động bán lẻ sản phẩm rượu phải có giấy phép do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cấp; sản phẩm rượu sản xuất, tiêu thụ trong nước và nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải dán tem trên bao bì theo quy định của Bộ Tài chính; người kinh doanh rượu phải có văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng mua bán... Ông Nguyễn Long Hùng, Phó Phòng kinh tế và Hạ tầng thông tin: Trên địa bàn huyện hiện có 463 hộ sản xuất rượu nhưng chưa đăng ký và làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công. Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn các cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn có quy mô nhỏ (hộ gia đình) chưa đủ các điều kiện để cấp phép. Cùng với đó, các cơ sở nằm rải rác trong các bản vùng sâu, vùng xa; việc sản xuất rượu không thường xuyên; các thủ tục hành chính cấp giấy phép sản xuất kinh doanh rượu còn rườm rà nên khó khăn cho các hộ sản xuất rượu.

Thời gian tới, Thuận Châu tiếp tục tập trung rà soát các hộ kinh doanh rượu thủ công để tuyên truyền, hướng dẫn các hộ làm thủ tục đăng ký giấy phép sản xuất rượu thủ công. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong vận chuyển, tiêu dùng rượu ở các quán ăn, cửa hàng kinh doanh rượu; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các cơ sở sản xuất rượu thủ công, nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất và kinh doanh rượu... đã từng bước đưa sản xuất, kinh doanh rượu thủ công đi vào trật tự, nề nếp, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng trên địa bàn.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới