Khai thác hiệu quả diện tích đất nông nghiệp bạc mầu

Những năm gần đây, phường Chiềng An (Thành phố) đã tích cực tuyên truyền định hướng cho người dân lựa chọn nhiều giống cây trồng có hiệu quả kinh tế như: thanh long, mận hậu, mận tam hoa, xoài ghép, nhãn ghép vào sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng xoài ghép của gia đình ông Lù Văn Đạt.

Đến thăm gia đình ông Quàng Văn Trung ở bản Bó Phứa, trên mảnh đất 300m2, trước đây ông trồng lúa 1 vụ, nhưng năng suất thấp. Sau khi đi thực tế học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, năm 2012, ông đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư 100 trụ giống thanh long ruột đỏ Long Định I, sau hơn 1 năm, 100 trụ thanh long đã cho thu nhập trên 35 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, gia đình ông tiếp tục mở rộng quy mô trồng thêm 400 trụ thanh long ruột đỏ. Chỉ tay về vườn thanh long trải dài, xanh mướt, ông Quàng Văn Trung chia sẻ: Trồng thanh long ruột đỏ, phù hợp với đất núi đá, rễ cây thanh long lại ăn nông, khi bù phân bên trên mặt đất là cây hấp thu đủ dinh dưỡng, dù đất xấu cỡ nào cũng cải tạo được. 1 năm cây thanh long cho thu hoạch 11 lứa quả và năm 2015, gia đình thu nhập được 150 triệu đồng

Đến với gia đình ông Lù Văn Đạt, trưởng bản Là Sẳng, là một trong những hộ mạnh dạn đi đầu và khá thành công với mô hình trồng mận hậu, xoài ghép ở phường. Ông Lù Văn Đạt cho biết: Từ năm 1993 đến 2003, gia đình tôi trồng cây dâu, cây ngô trên diện tích 3 ha đất đồi nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tôi và một số hộ trong bản đã đi học hỏi, nghiên cứu các mô hình kinh tế ở các bản, các xã, phường lân cận có cùng thổ nhưỡng, nhận thấy, cây cà phê, mận hậu, xoài ghép đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở bản mình, nên gia đình tôi và các hộ trong bản đã nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2003, gia đình tôi chuyển sang trồng 200 gốc mận hậu, xen cây cà phê và trên 2.300 gốc xoài ghép của Úc. Hiện diện tích cây ăn quả của gia đình mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Hiện, toàn phường Chiềng An có 1.424 hộ với 6.201 nhân khẩu, trong đó, 75% dân số thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao không chỉ áp dụng thành công ở bản Bó Phứa, Là Sẳng, mà nhiều hộ gia đình ở các bản như bản Bó, bản Cọ cũng mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hoa màu, cây ngô nếp, lạc; đầu tư cải tạo vườn tạp, đưa giống nhãn lồng ghép với nhãn bản địa, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Đến nay, toàn phường đã có trên 232 ha cây cà phê, gần 124 ha cây ăn quả các loại, chỉ tính riêng năm 2015, sản lượng từ cây ăn quả đạt trên 658 tấn, quả cà phê tươi đạt 2.052 tấn và hàng trăm tấn rau màu cung cấp ra thị trường. Việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt trên 26 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đến nay, chỉ còn 2,3%.

Ông Lù Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết: Thời gian tới, phường tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tăng cường công tác khuyến lâm, khuyến ngư, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sản xuất cho nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, đặc biệt, lựa chọn loại cây phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế để nhân rộng các mô hình.

 Với những định hướng hợp lý, sự năng động trong phát triển sản xuất, chủ động áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân, nhiều nông dân ở Chiềng An đã tìm được hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới