Hiệu quả Dự án giảm nghèo ở Phiêng Ban

Trong chuyến công tác đầu tháng 7, chúng tôi trở lại xã Phiêng Ban (Bắc Yên) nhận thấy có nhiều đổi thay tích cực. Những con đường bê tông dẫn vào bản khang trang, sạch sẽ và những ngôi nhà cao tầng, nhà sàn lợp ngói san sát nhau...

 

Mô hình chăn nuôi của gia đình bà Lường Thị Sương, bản Hý,

xã Phiêng Ban (Bắc Yên) được hỗ trợ từ Dự án giảm nghèo.

 

Vui mừng về sự đổi thay của quê hương, bà Lò Thị Chi, Chủ tịch Hội LHPN, Phó Trưởng Ban phát triển xã Phiêng Ban phấn khởi: Phiêng Ban đổi mới một phần nhờ thực hiện hiệu quả các dự án, công trình do Dự án giảm nghèo đầu tư, hơn nữa, được bà con đồng tình, hưởng ứng. Đặc biệt, các tiểu dự án hỗ trợ trực tiếp cho chị em phụ nữ, giúp họ tự làm chủ được cuộc sống, tạo thu nhập, phụ nữ có tiếng nói trong gia đình, thực hiện tốt bình đẳng giới.

Tìm hiểu được biết, xã Phiêng Ban được Dự án giảm nghèo giai đoạn II (2010 - 2018) đầu tư hơn 10 tỷ đồng vào các hạng mục: Xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt cho 14/14 bản. Trong đó, đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp gần 20 km đường giao thông; 9 dự án thủy lợi, 8 dự án nước sinh hoạt, 6 dự án nhà văn hóa cộng đồng, 7 dự án cầu cống... Bây giờ, đường sá đi lại đến khu sản xuất thuận tiện, dễ dàng, nông sản thu hoạch được vận chuyển nhanh, chất lượng đảm bảo, không lo tư thương ép giá. Bên cạnh đó, bà con đã biết tận dụng các công trình thủy lợi để mở rộng diện tích đất gieo trồng. Đồng thời, khai hoang ruộng bậc thang, chuyển đổi trồng cây cho năng suất cao; so với trước đây, sản lượng lương thực thu hoạch tăng 1,2 - 1,5 lần. Dự án còn hỗ trợ con giống phát triển mô hình chăn nuôi, với trên 950 con trâu bò, hơn 3.500 con dê, gần 500 con lợn, trên 5.000 con gia cầm. Nhận được sự hỗ trợ của Dự án, bà con đã có điu kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập để thoát nghèo. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 58%, đến nay giảm còn 32%.

Để thấy rõ hơn hiệu quả của Dự án, chúng tôi ngỏ ý muốn đến thăm mô hình sinh kế của chị em phụ nữ trong xã, anh Lò Văn Bích, cán bộ thú y xã xung phong làm “hoa tiêu”. Trên đường đi, anh Bích kể về các mô hình nuôi lợn, dê, bò có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, dễ chăm sóc, đàn vật nuôi phát triển tốt. Điểm dừng chân là mô hình chăn nuôi của gia đình bà Lường Thị Sương, một trong 13 hộ thành viên trong nhóm nuôi lợn lai tại bản Hý, xã Phiêng Ban. Năm 2012, Dự án giảm nghèo hỗ trợ gia đình 2 con lợn lai, trọng lượng từ 20-25kg/con. Sau khi nuôi và chăm sóc, gia đình đã bán gần 1,5 tạ lợn, với giá 50.000 đồng/kg. Bà Sương đã dùng số tiền đó, mua 2 con dê và 1 con lợn sinh sản. Do chăm sóc tốt dê đã phát triển thành đàn 20 con, thu nhập của gia đình tăng lên và thoát nghèo. Đầu năm 2016, bà Sương đã bán hết số dê hiện có, đầu tư mua 2 con bò sinh sản, kết hợp trồng cỏ làm thức ăn cho bò, đến nay gia đình có 7 con bò sinh trưởng và phát triển tốt. Bà Sương cho biết: Nhờ Dự án giảm nghèo hỗ trợ, gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các thành viên khác. Mô hình chăn nuôi của các thành viên đều đạt hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Còn nhóm sở thích nuôi dê sinh sản giống địa phương, bản Phiêng Ban A được Dự án hỗ trợ 20 con dê giống cho 10 hộ nghèo phát triển sinh kế. Đến năm 2016, tổng đàn dê tăng lên 90 con, nhóm đã bán 60 con, thu hơn 170 triệu đồng. Trưởng nhóm Hạng Thị Sua phấn khởi: Thông qua hoạt động theo nhóm, chúng tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh, chăm sóc gia súc. Đến nay, trong nhóm đã có 7 hộ thoát nghèo, được nhận hỗ trợ tái đầu tư với 22 con dê giống. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tập thể, nhân rộng quy mô chăn nuôi có hiệu quả.

Dự án giảm nghèo giai đoạn II đã tác động vào cách nghĩ, cách làm kinh tế của người dân nơi đây. Với những tiểu dự án có chu kỳ thực hiện ngắn, sớm mang lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo. Ngoài việc nâng cao năng suất, sản lượng, lợi ích kinh tế từ sản phẩm nông nghiệp, thông qua các hoạt động sinh kế, người dân còn được tiếp cận các biện pháp khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tạo sự liên kết, nâng cao năng lực sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, các công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cuộc sống của nhân dân đang khởi sắc.

Thu Thảo (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới