Hành trình trên đất nước Triệu Voi • Kỳ 2: Ấn tượng cố đô Luông Pha Bang

“Đến Lào phải đến Luông Pha Bang, đến Lào mà chưa đến cố đô Luông Pha Bang thì coi như chưa đến Lào”. Đó là lời chia sẻ của những du khách đã từng sang nước bạn Lào xinh đẹp và mến khách. Quả thực có đến tận nơi mới cảm nhận được vẻ đẹp vùng đất này, cố đô Luông Pha Bang nằm bên dòng sông Mê Kông và Nậm Kha với vẻ cổ kính và dung dị, với những di tích, những con phố, ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo, bình yên và thơ mộng.

Thác nước Kwang Si điểm đến thu hút nhiều du khách khi đến Luông Pha Bang.

Bình yên và cổ kính

Ấn tượng với chúng tôi khi khám phá Luông Pha Bang là những khu phố cổ, những ngôi nhà cổ kính, mái cong vút đặc trưng của người Lào. Các con phố tấp nập khách du lịch và người dân qua lại, nhưng rất ít biển báo giao thông, chủ yếu nhìn thấy biển báo hạn chế tốc độ 30km/h, không có tiếng còi xe; tại các ngã ba, ngã tư, mặc dù không có đèn đỏ nhưng người dân tự ý thức nhường đường, không chen lấn, vượt ẩu. Luông Pha Bang vừa đem đến cho du khách nét trang nghiêm, cổ kính của kinh đô xưa, vừa mang lại cảm giác thanh bình, gần gũi cho những người khách lần đầu đến nơi này.

Theo lời giới thiệu của chị Sự Thi Mắt Thị Vông, hướng dẫn viên du lịch, Luông Pha Bang theo tiếng Lào có nghĩa là Đức Phật nhỏ hay còn gọi là mảnh đất của Phật. Nơi đây từng là kinh đô của vương quốc Lan Xang, có nghĩa là Triệu Voi. Sau khi Pháp đô hộ các nước Đông Dương, đã sáp nhập thành Vương quốc Lào và Pháp đã công nhận Luông Pha Bang là nơi ngụ cư của Hoàng gia Lào. Vua của Luông Pha Bang lúc bấy giờ là Sít Xa Vang Vông đã trở thành nhà lãnh đạo của Vương quốc Lào. Hoàng cung chính là Bảo tàng Cung điện Hoàng gia Lào ngày nay.

Du khách tham quan Bảo tàng Cung điện Hoàng gia Lào tại Luông Pha Bang.

Nằm bên bờ sông Mê Kông, Luông Pha Bang là một trong những thành phố đông vui nhất của nước Lào và là địa điểm thú vị để du khách khám phá những di tích lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc Lào. Cố đô Luông Pha Bang là di sản thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên của đất nước Triệu Voi vào năm 1995. Ban ngày, Luông Pha Bang hiện lên nguyên vẹn một cố đô cổ kính với những con phố nhỏ, những mái chùa kiêu hãnh và lối kiến trúc cổ độc đáo. Màn đêm buông xuống, Luông Pha Bang đúng nghĩa là một thành phố du lịch náo nhiệt, đông đảo du khách tham quan chợ đêm từ 17 giờ đến 22 giờ, với rất nhiều đồ lưu niệm, quần áo, nhất là hàng thổ cẩm nhiều màu sắc và đồ trang sức bạc, tranh khảm bạc được chế tác tinh xảo. Theo những người bán hàng tại chợ đêm, thổ cẩm và trang sức bạc chính là mặt hàng do chính tay những nghệ nhân ở Luông Pha Bang tạo ra. Tại đây có hai làng nghề truyền thống lâu đời là làng dệt thổ cẩm và làng nghề chạm khắc bạc.

Một góc thành phố Luông Pha Bang yên bình, cổ kính.

Say sưa khám phá vẻ đẹp của Luông Pha Bang, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: Lần đầu tiên đến đây, tôi thấy Luông Pha Băng rất nhiều đường phố, phong cảnh cổ kính, con người thân thiện, hiền lành. Chùa ở đây rất đẹp, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng...

Đứng trên ngọn núi Phusi, phóng tầm mắt ngắm toàn bộ khung cảnh Luông Pha Bang, dòng sông Mê Kông tươi mát ôm một phần của thành phố, khu phố cổ rêu phong, yên bình xen lẫn những rừng cây, Hoàng cung Luông Pha Bang cổ kính nằm tựa lưng bên sông Mê Kông, những ngôi chùa, tượng Phật mang vẻ trầm mặc, tạo cho cố đô thêm tĩnh mịch, uy nghiêm.

Nhiều danh lam thắng cảnh đẹp

Luông Pha Bang cách Thủ đô Viên Chăn hơn 420 km về phía Bắc, thuộc vùng núi Thượng Lào, với núi non hùng vĩ. Nằm trên tuyến giao nhau của hai con sông Mê Kông và Nậm Khan, đã mang đến cho Luông Pha Bang khí hậu trong lành và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với những danh lam thắng cảnh mê hoặc lòng người, như Bảo tàng Cung điện Hoàng gia Lào, chùa Xiêng Thong, thác Kwang Si, núi Phousi...

Du khách tham quan Bảo tàng Cung điện Hoàng gia Lào tại Luông Pha Bang.

Hòa cùng dòng người vào thăm Bảo tàng Cung điện Hoàng gia Lào ngay tại trung tâm thành phố Luông Pha Bang, chúng tôi như được trở về với thời kỳ vàng son và nhiều thăng trầm của đất nước, văn hoá Lào. Trước khi vào thăm Cung điện, chúng tôi được yêu cầu không mang theo điện thoại, máy ảnh, máy quay phim. Theo giới thiệu của cán bộ Bảo tàng, Cung điện được xây dựng vào năm 1904, do Chính phủ Pháp xây tặng nhà vua Sít Sa Vang Vông. Sau Nhà Vua Sít Sa Vang Vông là Nhà Vua Sít Sa Vát Tạ Na ở Cung điện này và đến năm 1975, Quân giải phóng Lào tiếp quản và chuyển Cung điện thành Bảo tàng. Bảo tàng được gìn giữ và bảo quản khá nguyên vẹn với rất nhiều cổ vật quý hiếm. Nếp sinh hoạt của Hoàng cung cũng được thể hiện rất rõ qua cách bài trí các phòng trưng bày; cảnh sinh hoạt, cuộc sống của người dân Luông Pha Bang từ sáng đến chiều đã được một họa sĩ người Pháp vẽ năm 1930, ngay trên bức tường phòng chính của Cung điện.

Chùa Xiêng Thong - biểu tượng của thành phố Luông Pha Bang luôn thu hút đông đảo du khách.

Rời Bảo tàng Cung điện Hoàng gia Lào, chúng tôi tiếp tục đến với ngôi chùa được xem là cổ nhất, là biểu tượng của thành phố Luông Pha Bang-chùa Xiêng Thong, được xây dựng dưới triều đại Vua Sệt Thà Thi Lạt vào năm 1559-1560. Đối với những tín đồ phật giáo thì chùa được biết đến như một địa chỉ linh thiêng. Với khách du lịch, ngôi chùa ấn tượng bởi nét kiến trúc đặc biệt với mái chùa trải dài, cong mềm mại, mang nét nguy nga, tráng lệ. Bên trong chùa là những bức họa và những bức phù điêu dát vàng lộng lẫy, kể về những huyền tích thú vị trong văn hóa dân gian Lào, giúp mỗi du khách, dù không thực sự hiểu nhưng cũng có thể cảm nhận được quá khứ dòng chảy lịch sử nơi đây.

Du khách tham quan, tìm hiểu chùa Xiêng Thong.

Ngoài lối kiến trúc độc đáo, Luông Pha Bang ghi dấu ấn trong lòng du khách chính bởi nét văn hóa Phật giáo, khi du khách được trải nghiệm lễ khất thực, từng đoàn nhà sư thân khoác cà sa vàng nối tiếp nhau thong dong trong sương sớm. Trên từng con phố, những người phụ nữ trong trang phục truyền thống Lào quỳ gối theo hàng để làm lễ khất thực. Ở Luông Pha Bang còn có nhiều điểm đến thú vị như núi Phusi, nơi cao nhất có thể ngắm toàn bộ thành phố xinh đẹp; thác Kwang Si có nghĩa là thác nước con nai vàng, ngọn thác đẹp nhất ở Luông Pha Bang và thưởng thức các món ăn đặc sản của người Lào tại Nhà hàng vườn Phun Súc tại bản Ụ...

Cơ hội hợp tác du lịch Sơn La - Luông Pha Bang

Sơn La - Luông Pha Bang là hai tỉnh vùng cao biên giới của hai đất nước Việt Nam và Lào; với những địa danh, cảnh vật thiên nhiên tuyệt mỹ với những đỉnh núi cao hùng vĩ như Phu si, Pha Luông; những dòng sông huyền thoại như Mê Kông, Đà Giang; những thác nước huyền ảo như Kwang Si, Dải Yếm; cùng cảnh sắc của những phố núi, những bản mường ẩn khuất trong sương mây... Với nhiều điểm tương đồng trong văn hóa, điều kiện vị trí địa lý, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, là điều kiện để hai tỉnh Sơn La và Luông Pha Băng kết nối, hình thành tour du lịch giữa hai tỉnh; cùng nhau chia sẻ, đồng hành phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân hai tỉnh.

Du khách tham quan tại Nhà hàng vườn Phun Súc tại bản Ụ.

Sau khi được khảo sát, trải nghiệm một số điểm du lịch nổi tiếng của Luông Pha Bang, ông Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Pha Luông, huyện Mộc Châu, đánh giá: Chúng tôi rất ấn tượng với các thắng cảnh của Luông Pha Bang, đến đây chúng tôi như được tìm về quá khứ của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Lào; trở về với cái nôi của Phật giáo, với những kiến trúc đặc biệt và rất riêng, mà người dân Luông Pha Bang đã gìn giữ được qua hàng trăm năm. Đây là câu chuyện đáng để học hỏi khi phát triển du lịch. Với lợi thế Mộc Châu cũng có những thắng cảnh tương đồng với Luông Pha Bang và cửa khẩu Lóng Sập sắp tới sẽ là cửa khẩu quốc tế, điều kiện rất tốt để chúng tôi kết nối với các doanh nghiệp du lịch Luông Pha Bang hình thành tour du lịch.

Còn ông Khăm Sỏn - Đa La Vông, Chủ tịch Hội hướng dẫn viên du lịch tỉnh Luông Pha Bang, cho biết: Trước tiên chúng tôi muốn liên kết với các doanh nghiệp du lịch tỉnh Sơn La để mở các lớp tuấn cho các hướng dẫn viên du lịch của hai tỉnh tìm hiểu văn hóa, truyền thống, danh lam thắng cảnh của hai tỉnh. Để giới thiệu đến du khách đầy đủ, ý nghĩa nhất khi hình thành các tour du lịch giữa hai tỉnh Sơn La - Luông Pha Bang.

Tại Hội thảo “Liên kết phát triển tour du lịch giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Luông Pha Bang” diễn ra trong tháng 7/2022 tại thành phố Luông Pha Bang, đồng chí Bun Lươm - Mạ Ni Vông, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Luông Pha Bang, khẳng định: Hội thảo là dịp trao đổi kinh nghiệm giữa nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch của hai tỉnh; biết được tiềm năng về du lịch hai bên, cùng nhau đề ra các chiến lược hợp tác xúc tiến du lịch, hai bên cùng có lợi. Tỉnh Luông Pha Bang chúng tôi rất mong muốn và sẵn sàng hợp tác, xúc tiến du lịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch hai bên hợp tác ngày càng phát triển...

Dòng sông Mê Kông đoạn chảy qua thành phố Luông Pha Bang

Phát triển  du lịch là một nội dung quan trọng trong chương trình hợp tác hữu nghị, đoàn kết cùng phát triển toàn diện giữa tỉnh Sơn La - Luông Pha Bang nói riêng, giữa Sơn La và các tỉnh Bắc Lào nói chung. Đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La, nhấn mạnh: Để mở rộng liên kết phát triển du lịch giữa Sơn La với các tỉnh Bắc Lào, cửa khẩu quốc gia Lóng Sập đã được phía Việt Nam chính thức nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế. Đây là tuyến cửa khấu có thể kết nối thuận lợi giữa Sơn La với Hủa Phăn và Luông Pha Bang. Điều đó khẳng định tiềm năng về phát triển du lịch, kết nối Tour du lịch giữa Sơn La và Luông Pha Băng trong thời gian tới.

Với tiềm năng phát triển du lịch của hai tỉnh, Sơn La và Luông Pha Băng sẽ hình thành các tuor du lịch kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc Việt Nam với Lào và ngược lại, trong đó có Sơn La và Luông Pha Băng; đồng thời thu hút các doanh nghiệp hai bên đầu tư, đánh thức tiềm năng du lịch của các địa phương.

(Còn nữa)

Việt Anh - Quàng Hưởng

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới