Giúp đồng bào dân tộc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Những ngày cuối năm, chúng tôi đã có dịp cùng đoàn tuyên truyền do Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện tuyên truyền về giới, bình đẳng giới cho gần 300 người dân 7 bản của hai xã Muổi Nọi và Bon Phặng (Thuận Châu).

 

Tuyên truyền về bình đẳng giới cho nhân dân bản Kéo Pháy, xã Bon Phặng (Thuận Châu).

 

Chương trình thuộc Dự án “Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp cho nhóm cộng đồng nghèo nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Sơn La” do các tổ chức: “Bánh mỳ cho thế giới” (CHLB Đức) và Manos Unidas (Tây Ban Nha) tài trợ. Chương trình được triển khai ở các bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Thuận Châu, nơi tình trạng bất bình đẳng giới vẫn diễn ra khá phổ biến, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới.

Khác với các cuộc tuyên truyền về giới, bình đẳng giới mà chúng tôi tham dự trước đây, trong đợt này, chúng tôi rất ấn tượng với phương pháp truyền đạt mang tính tương tác cao, tạo sự hứng thú cho người tham gia và đối tượng hướng đến đó là các cặp vợ chồng trung tuổi, trẻ tuổi, đoàn viên thanh niên và học sinh bậc THPT... Bằng phương pháp cho bà con tham gia các trò chơi liên quan đến bình đẳng giới; ghép tranh, ảnh và xem các videoclip để dẫn dắt họ vào những tình huống cụ thể có thật trong đời sống hằng ngày. Người chơi được trực tiếp trao đổi, đề xuất các phương án ứng xử. Điển hình như việc trồng rau, nấu cơm, quét nhà, giặt giũ..., khi được hỏi thì hầu hết bà con thường trả lời là công việc của người phụ nữ và thường được coi là không có đóng góp gì vào kinh tế gia đình; sau khi được phân tích, tranh luận, bà con đã hiểu được giá trị, vai trò của mọi thành viên trong gia đình là bình đẳng như nhau và những công việc dù là nhỏ nhất cũng đều có giá trị đóng góp vào sự phát triển của gia đình...

Tại bản Thán và bản Nguồng, xã Muổi Nọi, mặc dù cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có nhà văn hóa phải mượn nhà dân, cùng với thời tiết cuối năm khá lạnh, nhưng từ sáng sớm, từ người già, trung tuổi đến học sinh bậc THPT đã có mặt đông đủ, tích cực tham gia các trò chơi, sôi nổi tranh luận; đặc biệt rất thích thú khi thực hiện ghép các các bức ảnh nói về phong tục tập quán của dân tộc mình và những bức ảnh về công việc của phụ nữ và nam giới trong sinh hoạt hằng ngày. Chị Quàng Thị Thủy, bản Thán, cho biết: Khác với mọi lần tuyên truyền bình đẳng giới chỉ ngồi nghe, lần này chúng tôi được trực tiếp tham gia các trò chơi và được có ý kiến tranh luận, qua đó giúp chúng tôi hiểu được bình đẳng giới trong gia đình là từ những công việc nhỏ nhất; biết được giá trị, vai trò của chúng tôi trong gia đình, giúp chúng tôi tự tin hơn. Còn anh Lèo Văn Thiết chia sẻ: Thường thì chúng tôi vẫn quan niệm những việc nhà như nấu cơm, rửa bát, quét nhà thường do vợ, con tôi làm; nhưng sau khi tham gia buổi tuyên truyền, giúp tôi hiều được mình cần phải có trách nhiệm san sẻ, giúp đỡ vợ con hơn trong công việc gia đình.

Đến bản Kéo Pháy, xã Bon Phặng, việc tổ chức tuyên truyền thuận lợi hơn, những hình ảnh và các clip trực quan, sinh động hơn, qua đó tạo sự hứng thú và giúp bà con hiểu sâu hơn về bình đẳng giới. Anh Quàng Văn Chương, Trưởng bản cho biết: Bản có 68 hộ, 318 nhân khẩu, tỷ lệ hộ gia đình có độ tuổi trung niên, trẻ tuổi chiếm 70%. Kiến thức về giới, bình đẳng giới của bà con trong bản vẫn còn rất hạn chế, mặc dù trong các cuộc họp bản đã cũng tuyên truyền nhưng hiệu quả chưa cao, vẫn còn tư tưởng trọng nam, từ năm 2017 đến nay, trong bản có 3 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 để có con trai. Do đó, việc tổ chức tuyên truyền như thế này là rất hữu ích, giúp bà con trong bản hiểu rõ hơn về giới, bình đẳng giới để xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng bản làng phát triển. Em Lò Văn Cường, học sinh lớp 11, chia sẻ: Tham gia buổi tuyên truyền, giúp chúng em hiểu thế nào là giới, bình đẳng giới, để sau này có những ứng xử tốt hơn trong cuộc sống gia đình.

Chia sẻ sau những ngày đi thực tế tại hai xã Muổi Nọi và Bon Phặng, chị Nguyễn Thị Tuyết Minh, chuyên gia về giới của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Hầu hết bà con vẫn còn thiếu kiến thức cơ bản về bình đẳng giới; để xây dựng phương pháp truyền đạt mang lại hiệu quả nhất, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về cuộc sống, phong tục tập quán, trình độ nhận thức của bà con; sử dụng những từ thông dụng, đơn giản, gần gũi để truyền đạt cho bà con hiểu được kiến thức về giới, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Bằng phương pháp tổ chức các trò chơi, sắp xếp những hình ảnh về đời sống thường ngày, bà con tự bộc lộ những tình huống ứng xử cụ thể có thật trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình, từ đó cùng trao đổi, đề xuất để có ứng xử bình đẳng hơn trong cuộc sống gia đình.

Trong thời gian tới, chương trình tiếp tục mở rộng thực hiện tuyên truyền về giới, bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao trên địa bàn Thuận Châu nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Kết thúc mỗi mỗi buổi tuyên truyền, những câu chuyện liên quan đến bình đẳng giới vẫn được bà con tiếp tục trao đổi, tranh luận trên đường ra về. Chương trình đã góp phần làm chuyển biến, nâng cao nhận thức và hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Thuận Châu về giới và bình đẳng giới, góp phần xây dựng bản mường ngày một giàu đẹp, văn minh, tiến bộ hơn.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới