Ghế mây, nét văn hóa truyền thống của người Dao

Trong gia đình của đồng bào Dao ở Mộc Châu, ghế mây là một vật dụng thiết yếu gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày. Ghế mây còn được sử dụng trong dịp cưới hỏi, ngày lễ, tết... Đây là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Mộc Châu.

 

Gia đình ông Lý Văn Khang, tiểu khu Tà Loọng, thị trấn Nông trường Mộc Châu làm ghế mây.

 

Ghế mây tiếng Dao gọi là “tôn đàng”, được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Thời gian sử dụng ghế càng lâu mặt ghế càng vàng óng, nhẵn, mịn và đẹp. Để làm được một chiếc ghế mây bền, đẹp, chất lượng, phải cần nhiều thời gian và nhiều công đoạn. Để có nguyên liệu, người làm ghế mây vào rừng tìm cây mây, cây song mật già; quá trình làm ghế đòi hỏi phải khéo léo, tỷ mỉ từ lúc chọn nguyên liệu đến lúc đan ghế. Một chiếc ghế mây gồm 3 bộ phận chính: Vòng ghế, chân ghế và mặt ghế. Theo những người làm ghế mây lâu năm, những cây song mật, cây mây lấy về phải qua sơ chế để đảm bảo độ dẻo và độ chắc chắn. Đối với vòng ghế, dây song mật được cắt theo kích thước 60-80cm, sau đó uốn quanh một cây gỗ tròn cố định khoảng 6 tháng. Nối liền giữa mặt ghế và vòng ghế là 8 chân ghế, có chiều dài từ 20-25cm, được sử dụng từ những cây tre già hoặc thanh gỗ đã vót mịn. Những dây mây tươi dùng đan phần mặt ghế chẻ thành nhiều sợi dây khác nhau, với chiều dài 5m/dây, sau đó hong trên gác bếp 3 tháng. Khi dây mây chuyển màu vàng óng, đảm bảo độ bền, tiếp tục đem dây nấu trong nước nóng khoảng 2 giờ đồng hồ để dây giãn nở và có độ mềm dẻo nhất định.

Không chỉ cầu kỳ trong việc chuẩn bị nguyên liệu, mà khi đan ghế cũng không đơn giản. Chia sẻ về cách đan ghế mây, ông Lý Văn Khang, tiểu khu Tà Loọng, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết: Công đoạn đầu tiên là tạo khung cho ghế. Khung ghế tạo bởi 2 vòng ghế đã được đục các lỗ cách nhau từ 5-10cm, sau đó đóng những thanh gỗ nối liền hai vòng ghế tạo chiều cao và cố định khung, rồi đan mặt ghế. Ghế mây thường được đan 2 lớp, lớp đầu tiên làm giá đỡ cho mặt ghế chắc chắn; lớp thứ 2 đan xen chéo vào lớp 1 để mặt ghế căng, khít lại và tạo những hoa văn đối xứng, đẹp mắt, mang lại cảm giác êm, thoải mái cho người ngồi. Dây mây rất cứng và bền nên khi đan ghế đòi hỏi người đan phải chắc tay, khéo léo và chính xác mới có thể làm được một chiếc ghế chất lượng. Sau khi đã hoàn thành, ghế được hong trên gác bếp trong 2 tháng để không bị mốc và đảm bảo độ bền. Một chiếc ghế có chiều cao trung bình là 30cm, nhưng thấp hay cao hơn tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của gia đình.

Với những người có kinh nghiệm lâu năm một tháng có thể đan được 25 - 35 chiếc ghế. Tuổi thọ của ghế mây từ 30 - 40 năm. Dù làm ghế mây vất vả, mất nhiều thời gian, nhưng giá bán 1 chiếc từ 300.000-350.000 đồng. Ghế mây thường do người đàn ông trong gia đình người Dao đan vào thời gian nông nhàn, nhiều người tranh thủ làm ghế mây bán tạo thêm thu nhập. Được làm bằng phương pháp thủ công từ những nguyên liệu có sẵn, nên sản phẩm này thân thiện với môi trường, lại có độ bền cao. Tuy nhiên, những chiếc ghế mây truyền thống trong gia đình người Dao ngày càng ít, do nguồn nguyên liệu làm ghế khó tìm và một phần do đồng bào Dao đã tự cải tiến ghế mây bằng khung sắt, dây nhựa, dây dù...

Dù cuộc sống ngày càng phát triển, có nhiều đồ dùng thay thế, nhưng một số bản người Dao ở Mộc Châu vẫn duy trì làm ghế mây truyền thống, bởi đây là vật dụng gắn liền trong đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của họ. Mỗi chiếc ghế mây không chỉ tiện ích khi sử dụng mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Dao.

Huyền Trăng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới