Động Hoa Sơn bị tàn phá

Nói đến động Hoa Sơn ở bản Cuộm Sơn (tên cũ là bản Hoa Sơn 1), xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, chắc hẳn nhiều người còn nhớ vẻ đẹp hoang sơ, lộng lẫy và đầy bí ẩn của hang động này. Là hang động tự nhiên chạy ngầm trong núi, có miệng hang lên xuống thẳng đứng, thành 3 bậc sâu gần 30 m với vô vàn cột thạch, nhũ đá tuyệt đẹp, động Hoa Sơn đã làm tốn không ít giấy mực của các tờ báo, trang mạng về du lịch. Tuy nhiên, hang động nổi tiếng một thời ấy đang bị một số đối tượng ngang nhiên đập phá để khai thác khoáng sản, phá vỡ cảnh quan khiến nhiều người dân bức xúc.

Thâm nhập hiện trường

Trước khi thâm nhập hiện trường khai thác khoáng sản trái phép tại động Hoa Sơn, chúng tôi được cảnh báo rằng để vào được tận nơi khai thác (mà người dân khẳng định là khai thác vàng) không hề dễ dàng bởi những “người chủ” khu vực này rất cảnh giác với người lạ. 

Bên ngoài cửa hang Hoa Sơn đã bị rào lại bằng lưới.

Với sự trợ giúp của người dân, nhóm phóng viên nhập vai người dân đi câu cá trải nghiệm để bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu sự thật. Chúng tôi gặp được bà N. bản Cuộm Sơn, hiểu rất rõ tình trạng của khu du lịch này. Bà N. cho biết: “Nếu có đoàn vào thăm hang thì phải báo trước cho người quản lý, vì họ đang làm vàng trong đó đông lắm, họ còn kéo cả điện vào thắp sáng trong lòng hang. Ban đầu, hang mới khám phá thì đông người vào xem, nhưng thời gian gần đây không có ai xem nữa. Một số người dân trong bản làm thuê đãi vàng, có cả người ở xa đến đây hợp tác làm ăn. Còn "ông chủ" HTX Việt Trinh đứng ra cai quản. Tôi thấy họ mới "làm vàng" khoảng một tháng gần đây, khi nào họ làm thì khóa trái cửa bên trong. Hôm nay, chủ không thấy ở đây, toàn mấy người làm thuê thôi”.

Nghe vậy, chúng tôi ngỏ ý nhờ bà N. dẫn vào hang tham quan, nhưng bà e ngại, bà bảo chúng tôi tự liên hệ với người trông coi khu vực này. Bà N. bảo: “Họ làm vàng tận sâu trong hang, sợ lắm tôi không dám vào”. Vừa dứt lời thì có một người đàn ông đi từ trong hang ra, chúng tôi đặt vấn đề vào thăm hang thì nhận được câu nói lạnh lùng: “Hang đang sửa chữa thì vào làm gì?”.

Cửa hang được gia cố bằng hệ thống 2 cửa có khóa, rào sắt kiên cố.

Quan sát một vòng xung quanh, trước khu vực cửa hang được quây kín lưới, cửa hang được gia cố bằng hệ thống 2 cửa có khóa, rào sắt kiên cố và luôn trong tình trạng đóng kín, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Phía ngay trên cửa hang là tấm biển quảng cáo Động Hoa Sơn nhưng đã rách tơi rả, lộ ra phần khung thép bên trong.

Sau khi quan sát một lượt, chúng tôi tiếp tục câu cá, chờ người đàn ông đi khuất, theo sự hướng dẫn của bà N. chúng tôi gặp bà B. đang ở dãy nhà phục vụ khách của khu du lịch. Bà B. bảo: “Có 3 người tham gia HTX này. Trước đây, du lịch nơi này thì chỉ có câu cá và thăm hang thôi, bên trong hang đẹp lắm, có rất nhiều nhũ và cảnh đẹp. Vé vào tham quan là 30 nghìn đồng/người. Bây giờ, có một số người thuê hang này khoảng một tháng nay để "khai thác khoáng sản" ở trong, không biết họ có cho vào không”.

Sau một hồi thương thuyết, với lý do muốn được khám phá, tận mắt chứng kiến cảnh đẹp trong hang như lời giới thiệu, chúng tôi được bà B. đồng ý dẫn vào bên trong, buông vội cần câu, vượt cầu bê tông bắc qua cái mương nhỏ ngay cạnh đó khoảng 2 chục bước chân là đến cửa động Hoa Sơn. Theo bà B. thì mỗi khi khai thác vàng là cửa hang thường bị khóa trái, nhưng hôm nay chúng tôi đã gặp may mắn vì cửa đã không bị khóa.

Cửa chính dẫn vào hang luôn khóa.

Vừa bước qua khỏi cửa hang, chúng tôi đã bắt gặp một đống vòi nước, chai lọ, nilon và một số đồ đạc khác vứt ngổn ngang ngay cạnh khu để bàn thờ phục vụ khách tham quan. Tiếp tục vào bên trong chỉ vài bước chân, trên vách đá được gắn chiếc cầu giao điện, nối tiếp đó là dòng dây diện to bằng nửa cổ tay người lớn được treo trên vách đá dẫn vào trong, thiết nghĩ nếu chỉ là điện thắp sáng trong hang phục vụ du khách tham quan thì đâu cần tốn kém kéo đường dây lớn như vậy; nguy hiểm hơn, một số dây điện hở mạch còn nằm dưới nền đất ẩm ướt.

Sau vài mét nữa, chúng tôi bắt đầu phải lội nước bởi có con suối chảy liên tục dưới chân. Nghe bà con kể con suối trong vắt ngày nào, giờ đây chỉ còn màu bùn đất, với những tranh tre trồi từ dưới nước lên ngổn ngang lối đi, thỉnh thoảng có bãi đất trồi lên còn in rõ vết bánh xích của máy xúc, ở những khúc cua, chỗ chật hẹp còn có cả dấu vết phá đá.

Nhiều chỗ trong hang hẹp, máy xúc đập bỏ những mỏm đá nhô ra để di chuyển vào trong.

Bà B. bảo: “Họ đưa cả máy xúc vào bên trong nên đá mới bị phá đấy”. Một đồng nghiệp của tôi định đưa máy ảnh chụp vài kiểu thì bà B. nhắc nhở: “Đừng chụp dây điện và đồ đạc nhé, họ không thích đâu”.

Tiếp tục lội suối, mấy lần bước hụt bởi độ sâu của suối thay đổi liên tục, càng vào sâu thì nước càng cao. Dừng lại một khu có nhũ mọc từ đỉnh hang xuống, bà B. giới thiệu: “Đây là một trong những cột nhũ đẹp nhất trong hang, nhưng chúng không còn nguyên vẹn nữa, vì máy xúc đã phá vỡ rồi”. Càng vào bên trong thì mức độ tàn phá hang càng rõ, đất đá đào bới khắp nơi, ngổn ngang như đại công trường. 

Đường điện được kéo vào trong hang để phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Đi tiếp khoảng 20 phút, chúng tôi gặp một tốp 5 người từ trong đi ra, tôi chủ động lên tiếng trước: “Chào các anh nhé, các anh nghỉ sớm thế?”. Không ai bắt lời, vừa đi ngang qua, 2 người cuối cùng trong tốp họ không quên “ném” cho chúng tôi ánh mắt đầy cảnh giác, vừa đi họ quay lại quan sát chúng tôi.

Sau khoảng 40 phút lội nước, chúng tôi bắt đầu ngửi thấy mùi khét của dầu máy, đoán là sắp đến nơi, chúng tôi dừng lại nghe ngóng xem có còn ai phía trong hang nữa không. Thấy yên tĩnh, chúng tôi tiếp tục tiến vào khoảng 50m nữa, đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là ánh sáng của hàng chục bóng đèn điện công xuất lớn soi rõ mọi cảnh vật bên trong.

Chiếc máy xúc cỡ nhỏ đã bị tháo nắp cabin đang nằm chắn lối đi. Bên cạnh là chiếc máy sàng đá cỡ lớn vẫn còn vương những hòn đá cuội trên mặt sàng. Ở giữa lòng hang bị đào lên như một cái ao rộng chừng 50m², vài chiếc máy bơm nước thò ống hút sẵn, xung quanh là những đống đất đá lớn ngổn ngang khắp lòng hang; một đống rây curoa tải nằm trên mỏm đá gần đó. Thậm chí, còn có cả những chiếc giường gấp và một số dụng cụ phục vụ sinh hoạt tại nơi đây... 

Rất nhiều máy móc, phương tiện được tập trung trong hang.

Sau khi thu thập hình ảnh hiện trường, chúng tôi bắt đầu quay ra. Như nhận định, đi khoảng vài chục mét, có 2 người đàn ông xuất hiện với chiếc đèn pin đội trên đầu. Tôi “xởi lởi”: “Chào các anh ạ”.

Thay vì chào lại, sau một hồi dò xét, một trong số họ lên tiếng nặng như chì: “Đã bảo hang đang sửa rồi còn vào đây làm gì?”.

Không biết họ có phải là người được chính quyền xã giao quản lý ở đây hay không nhưng xem ra có vẻ nghiêm trọng lắm. Tôi tiếp lời: “Dạ, thấy người dân quảng cáo hang đẹp quá nên bọn em vào thăm, mong các anh thông cảm”?.

Nói rồi, chúng tôi tiếp tục quay ra và cũng không quên cảnh giác phía sau. Ra khỏi hang, chúng tôi tiếp tục câu cá để quan sát, khoảng 20 phút sau thì 2 người đàn ông chúng tôi gặp trong hang mới ra đến cửa. Khép xong cửa hang, họ lên xe máy đi phía trung tâm bản và cũng không quên “tặng” chúng tôi ánh mắt không mấy thiện cảm.

Một số hình ảnh phóng viên ghi lại được về hoạt động khai thác khoáng sản tại hang Hoa Sơn vào ngày 18/4/2021

 

Cũng chỉ khoảng 5 phút sau đó, trong lúc chúng tôi thu dọn đồ đạc chuẩn bị về, xuất hiện một thanh niên đi xe máy đến cửa hang và khóa chặt các cửa, rồi quay về. Tiếp đó, một người đàn ông đứng tuổi tiến thẳng về phía chúng tôi, bà B. nói nhỏ: “Ông chủ đấy!”. Cũng giống như mấy người trước, người đàn ông này quan sát từng hành động của chúng tôi với ánh mắt nghi ngờ.

Trách nhiệm thuộc về ai ?

Thông tin chúng tôi nhận được từ người dân về hang động bị cày xới để khai thác khoáng sản là chính xác. Vẻ đẹp kỳ vĩ thiên nhiên ban tặng của động Hoa Sơn đã và đang bị tàn phá, mà theo người dân phản ánh, người đang cai quản việc khai thác là "ông chủ HTX Việt Trinh".

Máy xúc được đưa vào trong hang để đào bới khoáng sản.

Theo thông tin thu thập được, Hợp tác xã TM và du lịch Việt Trinh (HTX Việt Trinh), trụ sở tại bản Hoa Sơn 1, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn (đơn vị được người dân phản ánh đang thực hiện việc khai thác vàng trong hang động) do ông Nguyễn Văn Trinh (cũng ở bản Hoa Sơn 1) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. HTX này có Giấy chứng nhận hợp tác xã số 240107000126, đăng ký lần đầu vào ngày 9/7/2018 do UBND huyện Mai Sơn cấp, với 5 ngành nghề kinh doanh, gồm: Trồng cây ăn quả; kinh doanh vật tư nông nghiệp; kinh doanh, giết mổ gia súc; kinh doanh hàng nông sản; dịch vụ du lịch sinh thái. Đến ngày 30/1/2019, HTX Việt Trinh đã thay đổi, bổ sung thêm 6 ngành nghề kinh doanh, gồm: Dịch vụ ăn uống; dịch vụ nhà nghỉ, lưu trú ngắn ngày; xây dựng các công trình dân dụng; trồng rừng, cây dược liệu; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm; nuôi trồng thủy sản. 

Máy móc được đưa vào trong hang phục vụ việc khai thác khoáng sản.

Đăng ký hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhưng những hạng mục đầu tư cho du lịch của HTX Việt Trinh sau gần 3 năm rất khiêm tốn, chỉ là một cái ao cải tạo để cho câu cá dịch vụ, 1 chòi nghỉ mới được dựng cách đây chưa lâu. Đối với hang động Hoa Sơn, HTX Việt Trinh được UBND xã Chiêng Mai giao “hoàn thiện các thủ tục được công nhận điểm du lịch trước khi đưa vào khai thác tham quan du lịch…” (Công văn số 08/UBND  ngày 30/1/2019 của UBND xã Chiềng Mai). Thế nhưng, thủ tục chưa kịp hoàn thiện, động Hoa Sơn với bao tiềm năng, hứa hẹn thu hút du khách bằng cảnh đẹp hiếm có đã và đang bị đào bới, mà chỉ nhìn qua, người ta cũng nhận thấy, không phải “sửa hang” để làm du lịch…

Ngành nghề kinh doanh cũng đã rõ, HTX Việt Trinh không được phép triển khai các hoạt động khai thác khoáng sản như những gì phóng viên đã tận mắt chứng kiến.

           

Sau khi tìm hiểu thực tế tại động Hoa Sơn, chúng tôi đã làm việc với UBND xã Chiềng Mai, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trên địa bàn xã có đơn vị nào được cấp phép khai thác khoáng sản (vàng) hay không? Ông Nguyễn Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: Trên địa bàn không có điểm khai thác cát, sỏi, đá, vàng.

Được biết, ngày 1/4/2021, Chủ tịch UBND xã Chiềng Mai là ông Nguyễn Trọng Nam đã ký cam kết với Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn về việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Một trong những nội dung đáng chú ý trong bản cam kết là “Thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện ngăn chặn các hành vi vi phạm: Lấn, chiếm, hủy hoại đất, sử dụng đất không đúng mục đích; khai thác khoáng sản trái phép, các hoạt động hành nghề khoan, khai thác nước và xả chất thải trái phép gây ô nhiễm môi trường”.  Vậy mà, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại động Hoa Sơn đã diễn ra khoảng một tháng trở lại đây (như người dân khẳng định), chỉ cách trụ sở UBND và Công an xã Chiềng Mai chỉ khoảng 2km, thế nhưng ông Chủ tịch UBND xã Chiềng Mai dường như không nắm được thông tin (???).

Khi phóng viên đặt câu hỏi về có hay không hoạt động khai thác khoáng sản trong động Hoa Sơn, ông Lò Văn Biên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn, cho biết: Không có hiện tượng khai thác khoáng sản trong khu vực bản Cuộm Sơn, cụ thể là khu vực do HTX Việt Trinh đang quản lý, họ chỉ làm du lịch, thấy trong động có nước nên địa phương đã khuyến cáo người dân không nên vào. Đến thời điểm này trên địa bàn huyện không có điểm nào được cấp phép khai thác vàng.

Mặc dù khẳng định không có hiện tượng khai thác khoáng sản ở khu vực động Hoa Sơn, nhưng khi phóng viên cung cấp những hình ảnh đã ghi lại được, ông Lò Văn Biên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn, nói: Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện để kiểm tra, xử lý theo thông tin báo chí cung cấp. 

Tiếp tục tìm đến lãnh đạo UBND huyện Mai Sơn để có cái nhìn rõ hơn về sự việc. Sau khi xem những hình ảnh về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại động Hoa Sơn do phóng viên cung cấp, bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, nói: Chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác du lịch khu vực này. Nhận được thông tin phản ánh của phóng viên, huyện sẽ chỉ đạo tổ liên ngành kiểm tra, xử lý đúng quy định của pháp luật. Năm 2021, đã tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã với Chủ tịch UBND huyện về việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Nếu sự việc xảy ra trên địa bàn mà xã không phát hiện thì trách nhiệm thuộc về xã. 

           

Những đống đất, đá ngổn ngang trong lòng hang.

Trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi này xin được nhường cho cơ quan chức năng của huyện Mai Sơn trả lời để người dân bản Cuộm Sơn không còn nỗi đau canh cánh: Động Hoa Sơn đã từng được ví là hang động có vẻ đẹp nhất nhì trong tỉnh đang bị tàn phá chỉ vì ham lợi trước mắt của một số người.

Trần Vũ

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới