Đối thoại - giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Toàn tỉnh hiện có trên 2.800 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động địa phương. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và biên bản cam kết ngày 16/5/2016 giữa UBND tỉnh Sơn La với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, trong đó có cam kết tổ chức các hội nghị đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, HTX ít nhất 2 lần/năm.

Thi công công trình kè suối Nặm La (Thành phố)

Ảnh: PV

Theo đó, hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức ít nhất 2 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp; các sở, ngành, các huyện, thành phố căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế tổ chức đối thoại với doanh nghiệp hàng tháng, quý theo chuyên đề.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, các sở, ngành chức năng của tỉnh tổ chức 8 cuộc đối thoại, với 319 lượt doanh nghiệp; các huyện, thành phố đã tổ chức 9 cuộc, với 552 lượt doanh nghiệp. Có tổng số 73 kiến nghị, đề xuất, chủ yếu liên quan đến việc thực hiện các chế độ, chính sách về việc giãn, gia hạn thời gian, giảm số tiền nộp thuế, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính tiền chậm nộp, giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động doanh nghiệp theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới tái sản xuất với lãi suất ưu đãi, thực hiện giải pháp gói kích cầu nội địa; các khó khăn liên quan đến việc phải điều chỉnh đơn giá thuê đất, đơn giá nhân công, giá vật liệu xây dựng, đề nghị thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành dự án đầu tư công...

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trung tuần tháng 4/2021, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đối thoại lần 1 với các doanh nghiệp, HTX. Sau Hội nghị đối thoại đã có 34 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, HTX liên quan đến việc thực hiện các chế độ, chính sách, dự án chưa được giải quyết, như: Chưa phù hợp với quy hoạch, chưa được bố trí vốn khối lượng hoàn thành, khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng, bàn giao đất, thuê đất, chênh lệch giá đất, thiếu nguyên liệu sản xuất... Các kiến nghị, đề xuất được giao các sở, ban ngành, các huyện, thành phố tập trung giải quyết và báo cáo kết quả với UBND tỉnh qua Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/5. Kết quả, đến ngày 5/6/2021, có 6 kiến nghị đã giải quyết; 27 kiến nghị đang giải quyết; 1 kiến nghị chưa có văn bản trả lời.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố có 1.250 doanh nghiệp, 60 HTX đang hoạt động. Việc tổ chức đối thoại là một trong những kênh cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt thông tin, từ đó có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ đó, giữa doanh nghiệp và chính quyền ngày càng có sự thấu hiểu, tin tưởng hơn, doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp lần 1 năm 2021, Chi hội doanh nghiệp Quỳnh Nhai kiến nghị 4 nội dung, trong đó có 2 kiến nghị tỉnh, huyện chỉnh trang, nâng cấp cầu Pá Uôn, lắp đặt đèn cao áp từ trung tâm huyện đến cầu Pá Uôn để tạo điểm nhấn cho khu du lịch lòng hồ sông Đà. Ngoài ra, Chi hội cũng kiến nghị thêm 2 nội dung phân luồng đường thủy tàu thuyền; đăng ký tàu thuyền để đảm bảo an toàn trật tự giao thông đường thủy. Đến nay, một nội dung đã được giải quyết, Sở Giao thông và Vận tải và các ngành chức năng đã cử cán bộ xuống rà soát, lập danh sách trên 1.100 tàu thuyền để đăng ký.

 

Đối thoại - giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ông Phạm Văn Doanh, Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Quỳnh Nhai khẳng định: Thông qua đối thoại giúp doanh nghiệp tiếp cận hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, là diễn đàn, là cơ hội để doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc mà họ đang gặp phải và là cơ hội nhận được câu trả lời, giải đáp trực tiếp từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh, lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm, giải quyết các kiến nghị còn lại và rà soát, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ du lịch được hưởng các chính sách ưu đãi do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Có thể khẳng định, đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp của tỉnh thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Các cuộc đối thoại đã đi vào thực chất, giải quyết căn bản những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến tìm hiểu và đầu tư vào địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới