Đổi thay trên quê hương cách mạng Mường Chùm

Những ngày Tháng 8 lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm khu căn cứ cách mạng tại lũng Đán Đanh, thuộc xã Mường Chùm (Mường La). Dọc đường đi là những nương ngô, ruộng lúa xanh mướt trải dài tít tắp trên các sườn đồi, xen lẫn là những vườn xoài, nhãn trĩu quả đang cho thu hoạch...

 

Đường vào cửa hang Đán Đanh, bản Huổi Lìu, xã Mường Chùm (Mường La) bị cây rừng mọc kín.

Được ông Lường Văn Phiếu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Chùm dẫn đường tới lũng Đán Đanh, chúng tôi ai cũng háo hức, phấn khởi bởi được đến thăm và tận mắt chứng kiến nơi cha ông ta một thời kiên cường, không quản ngại hy sinh, gian khó, bám đất, bám dân, chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp đến ngày thắng lợi. Đến lũng Đán Đanh bây giờ không còn phải đi bộ như trước, mà thay vào đó là con đường rải nhựa vắt ngang lưng chừng núi. Nhờ vậy, từ trung tâm xã lên lũng Đán Đanh ở bản Huổi Lìu chỉ còn 15 phút đi xe máy. Từ đây, tiếp tục đi bộ ngược dốc khoảng 800m cắt ngang qua nương ngô thì đến hang Đán Đanh (tiếng phổ thông nghĩa là hang Đá Đỏ) ăn sâu vào sườn núi với 5 hang lớn, nhỏ, trong đó có một hang chính 2 tầng, rộng chừng 20m, cao khoảng 30m với nhiều ngóc ngách, có tầm quan sát rộng. Mặc dù ngoài trời nắng nóng, nhưng trong hang vẫn mát lạnh, mọi cảnh vật còn hoang sơ, từ đây nhìn ra xa là một thung lũng trải dài với nhiều mỏm đá vôi tự nhiên nhô ra, tạo nên những tháp canh tự nhiên bảo vệ lũng. Hang Đán Đanh nằm ở vị trí đắc địa, phía Bắc tiếp giáp xã Tạ Bú, phía Tây giáp thành phố Sơn La và xã Bó Mười (Thuận Châu), phía Nam giáp xã Chiềng Sung (Mai Sơn), phía Đông giáp sông Đà - là tuyến đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm cho chiến trường Tây Bắc, bên kia sông là xã Chiềng Hoa (Mường La), tạo thuận lợi cho việc tiến, lui của quân ta mỗi khi có địch càn quét.

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Mường La ghi rõ: Ngày 15 tháng 6 năm 1949, tại lũng Đán Đanh, xã Mường Chùm, đồng chí Trần Quyết, Bí thư tỉnh ủy đã công bố Quyết định của Tỉnh ủy về việc thành lập Đảng bộ huyện Mường La. Đồng chí Hoàng Cầm La được chỉ định giữ chức Bí thư Huyện ủy Mường La, đồng chí Nguyễn Việt Cường làm Phó Bí thư, đồng chí Hoàng Phi Long làm ủy viên. Sự ra đời của Đảng bộ huyện Mường La đã đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào cách mạng ở địa phương. Từ đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Mường La phấn khởi, đồng tâm hiệp lực, nêu cao tinh thần chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Pháp xâm lược... Đứng ở cửa hang, ông Lường Văn Phiếu chỉ tay xuống những ruộng lúa xanh mướt ở dưới thung lũng nói: Nơi đây trong thời kháng chiến cũng đã từng có 1 bản người Thái sinh sống. Nhưng sau lần bị giặc Pháp càn quét, đốt phá bản, thì nơi đây không còn người sinh sống nữa. Và cũng sau trận càn đó, bộ đội đã phát hiện có 2 em bé bị mồ côi cha, mẹ và mang về nuôi dưỡng (một trong hai em bé là nhân vật trong bài hát nổi tiếng “Em bé Mường La”). Để chặn đứng các đợt càn quét tiếp theo của quân thù, bảo vệ an toàn khu căn cứ cách mạng, quân và dân ta đã chọn nơi đây để đặt các bẫy đá...

Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Chùm luôn đoàn kết, thi đua lao động sản xuất và đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho xã tiếp tục phát triển. Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và sự tham gia đóng góp của nhân dân, 5 năm qua, xã Mường Chùm đã được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang trụ sở xã, sân vận động UBND xã, trường THCS, trường Tiểu học xã Mường Chùm A, trường Tiểu học xã Mường Chùm B, trường Mầm non, nhà bán trú học sinh tại trường THCS, nhà lưu trú bệnh nhân tại Trạm y tế xã với tổng trị giá trên 90 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 5 tỷ đồng, phục vụ tốt đời sống sinh hoạt, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và học tập của nhân dân và con em trong xã. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt gần 15 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,8%; 100% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia, 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; toàn xã đã huy động 100% trẻ em 5 tuổi đến trường mầm non; 100% học sinh đúng độ tuổi vào lớp 1 và hoàn thành phổ cập THCS. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao được duy trì và quan tâm; công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững...

Qua trao đổi với lãnh đạo xã được biết: Với quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ xã Mường Chùm đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình để tập trung vận động nhân dân phát triển kinh tế gia đình; chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; ghép cải tạo vườn cây ăn quả và đưa các cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, thay thế các cây trồng trên nương kém hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm trở lên; độ che phủ rừng đạt 41%; số hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 5,3%; phấn đấu đạt 14 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới...

Chia tay lũng Đán Đanh, ông Lường Văn Phiếu chia sẻ với chúng tôi về mong muốn nơi đây sớm được Đảng, Nhà nước công nhận là khu di tích lịch sử và đầu tư một con đường dẫn vào hang để các nhà trường tổ chức các buổi ngoại khóa cho các cháu học sinh đến tham quan, ôn lại truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông và trở thành điểm du lịch sinh thái của huyện Mường La trong thời gian gần nhất.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới