Đoàn kết, sáng tạo xây dựng Bệnh viện phát triển toàn diện

Thành lập ngày 23/2/1968, Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La đã trải qua các giai đoạn phát triển: Bệnh viện Đông y Sơn La, Bệnh viện Y học dân tộc Sơn La, Bệnh viện Y học cổ truyền Sơn La và nay là Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La. Nhìn lại 50 năm qua, Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La tự hào đã hoàn thành thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đó là: Khám bệnh, chữa bệnh đa khoa và phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Đồng thời, nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; đào tạo, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật...

Bác sỹ chuyên khoa II Cầm Thị Hương

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện

 

Tập thể cán bộ, viên chức Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La. Ảnh: Lò Luận

 

Nhớ lại ngày đầu mới thành lập, Bệnh viện có quy mô 12 giường bệnh, với 12 cán bộ y tế, hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu thốn, đơn sơ. Vượt lên những khó khăn, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Bệnh viện đã đoàn kết, sáng tạo, xây dựng Bệnh viện phát triển toàn diện. Hiện nay, Bệnh viện có quy mô 120 giường bệnh kế hoạch, với 104 cán bộ, trong đó, 17 bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II và bác sỹ, còn lại là y sỹ, dược sỹ và nhân viên khác. Gồm 5 phòng (Hành chính - Quản trị; Tổ chức cán bộ; Tài chính - Kế toán; Điều dưỡng và Kế hoạch Tổng hợp - Công nghệ thông tin);  6 khoa lâm sàng (Khám bệnh Đa khoa; Nội - Nhi; Châm cứu - Dưỡng sinh; Ngoại tổng hợp; Phục hồi chức năng; Dinh dưỡng) và 4 khoa cận lâm sàng (Dược -Vật tư thiết bị y tế; Xét nghiệm; Chẩn đoán hình ảnh và Kiểm soát nhiễm khuẩn). Trong hoạt động, Bệnh viện thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo:, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xây dựng Bệnh viện xanh - sạch - đẹp”; “Xây dựng Bệnh viện phát triển toàn diện”; thi đua thực hiện tốt 12 điều y đức và Quy tắc ứng xử trong ngành… Qua đó, động viên, khuyến khích đội ngũ thầy thuốc tích cực rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, góp sức chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Trong nửa thập kỷ qua, đội ngũ y sỹ, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện đã sử dụng phương pháp “kê đơn bắt mạch” cổ truyền, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại, từng bước CNH, HĐH nền y học cổ truyền, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong điều trị, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân. Với các bài thuốc y học cổ truyền, phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi, siêu âm điều trị... giúp nhiều người điều trị các bệnh đau lưng, đau dây thần kinh, liệt nửa người do tai biến mạch máu não... Đồng thời, nghiên cứu và kế thừa các bài thuốc dân gian để chữa bệnh viêm đại tràng mạn tính, viêm gan mạn tính, viêm xoang, viêm dạ dày... gắn với triển khai các kỹ thuật điều trị chuyên khoa, ứng dụng các kỹ thuật y học tiên tiến trong chữa trị cho người bệnh. Cùng với đó, Bệnh viện đã được đầu tư một số trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác chẩn đoán cận lâm sàng như: Máy siêu âm màu, máy điện tim, máy đo lưu huyết não, máy đo mật độ xương, máy chụp X quang kỹ thuật số máy nội soi TMH, nội soi tiêu hóa... và một số máy móc để bào chế, sản xuất thuốc đông dược tại chỗ...

Bên cạnh đó, Bệnh viện thường xuyên khuyến khích, động viên đội ngũ thầy thuốc đầu tư nghiên cứu đề tài khoa học, áp dụng những kỹ thuật điều trị mới vào thực tế khám, chữa bệnh cho nhân dân, hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến trên, giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Qua thực hiện  phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, trong 17 năm (2000-2017), đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện đã nghiên cứu 160 đề tài khoa học các cấp. Trong đó, tham gia 1 đề tài khoa học cấp Nhà nước; 10 đề tài khoa học cấp tỉnh, còn lại là các đề tài cấp bộ, cấp cơ sở.

Cùng với việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, các hoạt động xã hội nhân đạo cũng luôn được Bệnh viện quan tâm thực hiện, với nhiều hoạt động thiết thực, phát huy được truyền thống tương thân tương ái, vì cuộc sống cộng đồng trong toàn thể CBVC. Trong đó, đã phối hợp khám, chữa bệnh nhân đạo cho nhân dân vùng bão lũ trên địa bàn tỉnh. Hằng tháng, vận động cán bộ viên chức quyên góp tặng quà cho bệnh nhân vùng cao, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện. Phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ tỉnh tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn người dân ở các vùng khó khăn trong tỉnh... Những việc làm đó đã để lại hình ảnh đẹp về người thầy thuốc trong nhân dân.

Trong hành trình xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Các cơ quan tỉnh, Đảng bộ Sở Y tế, Đảng ủy Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh luôn giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện Bệnh viện trên các lĩnh vực hoạt động. Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Chi đoàn thanh niên trong Bệnh viện hoạt động hiệu quả, vận động đoàn viên, hội viên hăng hái thi đua, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị... Liên tục nhiều năm, Đảng bộ Bệnh viện được công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Với tinh thần: “Đoàn kết, đổi mới, phát huy nội lực xây dựng Bệnh viện phát triển toàn diện”, trong thời gian tới, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực “Sáng y đức, sâu y lý, giỏi y thuật, vững y nghiệp”, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới. Trong đó, tiếp tục kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại trong khám và điều trị cho người bệnh. Triển khai các kỹ thuật điều trị chuyên khoa; ứng dụng các kỹ thuật y học tiên tiến, gắn với việc nghiên cứu và kế thừa các bài thuốc dân gian, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân...

BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH

* 2 Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1986 và 2004).

* Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng (năm 1982)

* 5 Bằng khen của Bộ Y tế.

* Cờ Thi đua xuất sắc dẫn đầu ngành Y tế (2001).

* 15 Bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể Bệnh viện.

* 2 Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

* Nhiều Bằng khen, giấy khen cho các tập thể khoa, phòng và cá nhân.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới