Đoàn 326 lan tỏa mô hình sản xuất giúp dân giảm nghèo bền vững

Chúng tôi đến Đoàn 326 khi đơn vị đang tổ chức giới thiệu các mô hình, sản phẩm tăng gia sản xuất VAC với các đại biểu dự Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2020. Đây là một trong những nội dung được cấp ủy, chính quyền các địa phương và già làng, trưởng bản, người có uy tín thuộc 15 xã của 3 huyện Sốp Cộp (Sơn La), Điện Biên và Điện Biên Đông (Điện Biên) quan tâm theo dõi, tìm hiểu.

Cán bộ Đoàn 326 hướng dẫn các già làng, trưởng bản, người có uy tín huyện Sốp Cộp kỹ thuật trồng cây ăn quả.

Ảnh: PV

Thượng tá Trần Quốc Việt, Phó Đoàn trưởng, Trưởng ban Quản lý Dự án Đoàn 326 lần lượt giới thiệu, hướng dẫn cụ thể, tỷ mỷ với các đại biểu về từng mô hình chăn nuôi, trồng trọt của đơn vị đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình trồng sắn cao sản; trồng cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng; trồng cỏ để nuôi cá, trâu, bò, dê... Theo Thượng tá Trần Quốc Việt, đây là những mô hình dễ thực hiện, phù hợp với quy mô sản xuất kinh tế hộ gia đình và điều kiện khí hậu, thổ dưỡng ở địa bàn. Chi phí đầu tư ban đầu và công sức lao động không nhiều, nhưng tạo được nguồn thu cao, người dân có thể áp dụng để phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chỉ huy Đoàn 326 sẵn sàng hỗ trợ cây, con giống và cử cán bộ, nhân viên tới tận nơi hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình.

Được tận mắt chứng kiến những mô hình chăn nuôi hiệu quả, các đại biểu tham quan đều trầm trồ thán phục những thành quả của mô hình tăng gia sản xuất được tạo bởi công sức, trí tuệ của những người lính Đoàn 326. Già làng Mùa Sáy Khua, bản Tin Tốc B, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên không giấu niềm vui, ông cho rằng bà con dân bản của mình có thể áp dụng được mô hình trồng cỏ nuôi cá, nuôi bò của Đoàn để thoát nghèo. Già làng Mùa Sáy Khua bày tỏ: Ở bản tôi, hầu như nhà nào cũng có vườn đồi, ao rất rộng, đất đai màu mỡ hơn ở đây, nhưng đều bỏ hoang. Tôi sẽ học cách trồng cỏ nuôi trâu, bò, đắp ao thả cá và vận động bà con trong bản làm theo cách làm của bộ đội Đoàn 326 để xóa đói, giảm nghèo.

 

Mô hình chăn nuôi gia súc tập trung của Đoàn 326.

 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để những mô hình chăn nuôi phát triển tốt, cán bộ, đội viên Đoàn 326 đã tận dụng những bãi đất bỏ hoang ven suối, ven đồi để trồng cỏ voi, cỏ mombasa, trồng chuối, sắn, kết hợp với thu mua rơm rạ của nhân dân về dự trữ, nên 4 mùa trong năm, đơn vị luôn bảo đảm đủ thức ăn cho vật nuôi. Bên cạnh đó, đơn vị đã tận dụng tốt nguồn phân, rác thải chăn nuôi để nuôi giun quế tạo nguồn thức ăn cho ngan, gà, vịt và chăm bón cho cây trồng, cải tạo đất tăng gia, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ cảnh quan môi trường trong đơn vị luôn xanh mát.

Với cách làm như vậy, Đoàn 326 không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên trong đơn vị, mà còn tạo sự lan tỏa tới các hộ dân trên địa bàn học tập, làm theo. Đại tá Trần Văn Chanh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn 326 phấn khởi nói: Chỉ riêng năm 2020, Đoàn đã hỗ trợ 13 con bò, cùng 2 tấn cá giống và trên 3 nghìn con gà siêu trứng, với tổng trị giá trên 1,7 tỷ đồng để giúp hàng trăm nhóm hộ dân trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong vùng dự án rất tin tưởng làm theo.

Những năm qua, từ những mô hình, cách làm cụ thể và trách nhiệm cao của cán bộ, nhân viên Đoàn 326, đã tạo sự thay đổi về cách nghĩ, cách làm cho người dân trên địa bàn và góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng dự án từng bước hoàn thành tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.

 

Vũ Viết Dương (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới