Diện mạo mới Nghĩa Hưng

Mùa xuân năm 1964, theo tiếng gọi của Đảng, 24 thanh niên nam, nữ là những đảng viên, đoàn viên ưu tú của xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang (Hưng Yên) lên Sơn La làm kinh tế mới và chọn xã Mường Cơi (Phù Yên) làm quê hương thứ hai. Hơn nửa thế kỷ cần cù lao động, sản xuất, cùng nhau đoàn kết xây dựng nên bản Nghĩa Hưng bây giờ.

Mô hình nuôi lợn thịt của gia đình anh Nguyễn Văn Cường, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên).

Về bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên) những ngày này, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là hình ảnh những ngôi nhà xây khang trang nối nhau san sát, đường ngõ xóm được bê tông hóa, nhà nào cũng có vườn cây trái, chuồng trại nuôi gia súc, nhiều gia đình kinh doanh dịch vụ, cuộc sống bận rộn, hối hả. Nếu trước đây chỉ có mùa ngô, mùa lúa thì nay thêm những mùa nhãn, chuối, cam. Cứ thế, quanh năm suốt tháng, bà con luôn chân, luôn tay với đủ thứ việc nhà, việc đồng áng, nhịp sống trở nên tất bật hơn và cuộc sống cũng ngày một đổi thay hơn.

Ông Nguyễn Duy Khanh, Trưởng bản Nghĩa Hưng, cho biết: Bản có 120 hộ, 460 nhân khẩu, kinh tế của bản vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng nhờ năng động, biết cách làm ăn, khai thác tốt diện tích đất nên nhân dân trong bản luôn có việc làm quanh năm. Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Khanh đưa chúng tôi đến tham quan một số gia đình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của bản. Gia đình ông Nguyễn Văn Cường, là một trong số những hộ phát triển kinh tế giỏi của bản mà chúng tôi tới thăm. Ông Cường chia sẻ: Trước đây kinh tế của gia đình phụ thuộc nhiều vào các loại cây nông nghiệp như ngô, chè nên cũng chỉ đủ ăn. Từ năm 2001 đến nay, tôi vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi và làm dịch vụ. Hiện nay, gia đình đang nuôi hơn 200 con lợn giống và lợn thịt, 40 con dê. Ngoài ra, còn phát triển đàn vịt gần 100 con, đào ao thả cá, trồng hơn 1.000 gốc quýt Thái. Đồng thời, mở thêm dịch vụ xay xát và dịch vụ sửa chữa xe máy tạo thu nhập cho hàng chục lao động địa phương, với mức thu nhập mỗi tháng từ 4-6 triệu đồng. Năm 2016, sau khi trừ chi phí gia đình thu nhập khoảng 800 triệu đồng.

Cách nhà ông Nguyễn Văn Cường chưa đầy 200m, chúng tôi tiếp tục đến thăm mô hình trồng rau sạch của gia đình chị Đặng Thị Lưu. Với gần 2.000m2 đất vườn trải dọc bên bờ suối, chị cải tạo đất nhằm tăng độ tơi xốp và dinh dưỡng để trồng các loại rau như cải bẹ xanh, cải ngọt, rau dền, cà chua, dưa leo. Hơn 10 năm trồng rau, gia đình chị luôn thực hiện đúng quy trình sản xuất rau sạch như: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, tuyệt đối không dùng các loại thuốc kích thích sinh trưởng. Do vậy, sản phẩm rau của gia đình chị Lưu được nhiều người đến tận nơi mua để cung cấp cho thị trường trong huyện. Trung bình mỗi ngày gia đình chị cung cấp ra thị trường trên 300 kg rau các loại, mỗi năm thu nhập khoảng 180 triệu đồng.

Qua tìm hiểu được biết: Hiện nay, bản Nghĩa Hưng đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, bản có 26 ha cây cam, quýt; hơn 1.000 con gia súc và trên 5.000 con gia cầm... hộ có mức sống khá, giàu chiếm 65% số hộ trong bản, số hộ nghèo chỉ còn 0,7%. Để có được những kết quả đó, bà con Nghĩa Hưng đã thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế. Đến nay, kinh tế của bản hầu hết không còn phụ thuộc vào một vài loại cây trồng hay một loại vật nuôi, thay vào đó là những mô hình kinh tế phù hợp với lợi thế của địa phương, như: Mô hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rừng; trồng cây ăn quả có múi; đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh buôn bán, vận tải... mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây.

Sau hơn 50 năm lập nghiệp trên quê mới, từ vùng đất còn nhiều khó khăn, người dân Hưng Yên đã xây dựng Nghĩa Hưng trở thành một bản trù phú. Đến với bản Nghĩa Hưng hôm nay, có thể cảm nhận được nhịp sống đang thay đổi từng ngày, người dân đoàn kết, đồng lòng xây dựng cuộc sống ngày một ấm no.

Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới