Để không còn nỗi lo học sinh bỏ học

Trước đây, cứ sau mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, các thầy giáo, cô giáo xã vùng 3 Nà Ớt lại lo lắng học trò của mình nghỉ học lấy vợ, lấy chồng. Nhưng nay, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực, “ra quân” quyết liệt của cán bộ, giáo viên, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Trung học cơ sở (THCS) Nà Ớt, xã Nà Ớt (Mai Sơn) đã vơi đi nỗi lo vắng học trò sau mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường PTDT bán trú THCS Nà Ớt, xã Nà Ớt (Mai Sơn).

 

Chúng tôi có mặt tại Trường PTDTBT THCS Nà Ớt vào một ngày cuối năm, khi các thầy giáo, cô giáo nơi đây đang nỗ lực thực hiện kế hoạch đảm bảo công tác dạy và học, duy trì sỹ số học sinh những ngày trước và sau nghỉ Tết. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Hoàng Thu Ngân, giáo viên dạy văn của nhà trường cho hay: Là trường học thuộc xã vùng ba còn nhiều khó khăn, phần lớn học sinh là con em đồng bào các dân tộc Mông, Sinh Mun, Khơ Mú... Do ảnh hưởng bởi hủ tục lạc hậu tại một số bản vùng sâu, vùng xa, nên việc đảm bảo duy trì sỹ số những ngày thường trong năm học đã là sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, giáo viên nhà trường. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán là thời điểm các em nghỉ học với nhiều lý do, trong đó em thì nghỉ để làm nương cho bố mẹ, em nghỉ để lấy vợ, lấy chồng sớm. Cùng với đó là tục lệ bắt vợ của người Mông, dẫn đến nhiều trường hợp học sinh trong những ngày chơi Xuân bị bắt làm vợ, phải bỏ học để lập gia đình.

Để câu chuyện học sinh bỏ học đi lấy vợ, lấy chồng, đi làm nương, kiếm tiền... không còn là nỗi lo mỗi sau kỳ nghỉ Tết, Ban giám hiệu nhà trường cùng các thầy, cô giáo đã thực hiện nhiều phương pháp để thay đổi suy nghĩ của học sinh. Hằng ngày, phân công 3 cán bộ, giáo viên luân phiên phụ trách ký túc xá, hướng dẫn các em kỹ năng sống tự lập, đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên cơ sở học tập xây dựng nếp sống văn hóa mới, bài trừ hủ tục lạc hậu. Việc giáo dục đạo đức, định hướng tư tưởng cho học sinh được lồng ghép trực tiếp trong các môn học, các buổi chào cờ, sinh hoạt đội, ngoại khóa... Ngoài giờ lên lớp, các thầy giáo, cô giáo đã chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em ở bán trú; động viên, trò chuyện với học trò nhiều hơn, hướng dẫn các em cách dọn dẹp nhà cửa, dạy cách vệ sinh cá nhân và chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân. Nhất là giải thích cho các em hiểu rõ lứa tuổi phù hợp để lấy vợ, lấy chồng, cách thể hiện tình cảm sao cho phù hợp với lứa tuổi học sinh… Cùng với đó, cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, lợi dụng tục bắt vợ của người Mông để thực hiện hành vi bắt cóc người trái pháp luật.

Cùng với việc truyền tải thông điệp tới học sinh, trong suốt năm học và đặc biệt là trước kỳ nghỉ Tết một tháng, cán bộ, giáo viên nhà trường phối hợp với UBND xã Nà Ớt, Hội Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên xã... tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh không cho con em nghỉ học dài ngày và nhất là không bỏ học để lấy vợ, lấy chồng. Đồng thời, tổ chức các buổi tuyên truyền, cảnh báo nạn buôn bán trẻ em, hậu quả của tảo hôn... đến người dân trong xã nói chung và phụ huynh có con em trong độ tuổi đến trường nói riêng. Tùy điều kiện từng địa bàn, tập quán từng dân tộc để lựa chọn cách tuyên truyền, động viên phù hợp, nhằm tác động tích cực vào tư tưởng của các bậc phụ huynh. Được biết, các thầy giáo, cô giáo thường xuyên tổ chức “ra quân” tới từng bản, từng gia đình để vận động phụ huynh cho con em đến trường khai giảng năm học mới, trước và sau mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết. Khi gặp gỡ các gia đình, mỗi thầy, cô giáo lại phân tích cho phụ huynh học sinh hiểu tác dụng của việc học tập, việc tuân thủ nền nếp quy định của trường, vận động phụ huynh cho con em đến trường đầy đủ. Mỗi khi có trường hợp học sinh nghỉ học, giáo viên chủ nhiệm phụ trách lớp sẽ tìm hiểu nguyên nhân, nếu có khó khăn gì sẽ hỗ trợ, tìm biện pháp giúp đỡ gia đình để tạo điều kiện cho con em tiếp tục đến trường. Nhờ vậy, thời gian gần đây, nhiều bậc phụ huynh đã thay đổi suy nghĩ, loại bỏ những quan niệm lạc hậu như đi học không kiếm ra tiền, hay không cần học cao, chỉ cần lao động kiếm được tiền nuôi được bản thân và giúp đỡ gia đình...

Xung quanh câu chuyện về học sinh bán trú và những nỗi lo của những người thầy về việc học sinh bỏ học giữa chừng, thầy giáo Lê Trung Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nà Ớt chia sẻ: Cùng với việc thay đổi suy nghĩ của học sinh và gia đình, nhà trường luôn nỗ lực xây dựng môi trường học tập và sinh hoạt tốt, tạo sự yên tâm, tin tưởng để học sinh yêu trường, yêu lớp hơn. Chế độ cho học sinh bán trú của Nhà nước được nhà trường thực hiện đúng quy định; cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện, nâng cấp. Hiện trường có 287 học sinh sinh hoạt tại 15 phòng bán trú. Mỗi em học sinh bán trú được hỗ trợ 40% mức lương cơ bản và 15kg gạo/tháng. Đồng thời, nhà trường luôn quan tâm đảm bảo chất lượng bữa ăn cho các em học sinh. Nhờ đó, năm học 2017 - 2018, không có học sinh bỏ học giữa chừng, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%, học sinh khá, giỏi tăng 20%; có nhiều học sinh tham gia các kỳ thi giao lưu học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật của tỉnh...

Chia tay Trường PTDTBT THCS Nà Ớt, chúng tôi nhớ mãi những ánh mắt tràn đầy sự nhiệt huyết với nghề, sự cố gắng, quyết tâm trong hành trình giúp học trò đến lớp của những người thầy nơi đây. Tin rằng với những nỗ lực của cán bộ, giáo viên, câu chuyện trường, lớp vắng trò sau nghỉ Tết nói riêng và trong cả năm học nói chung sẽ không còn là nỗi lo của nhà trường, giúp học sinh vun đắp những hành trang cho tương lai.

Lê Hạnh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới