Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Mường La

Nhằm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, huyện Mường La tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng và mở rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; xây dựng chuỗi giá trị gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Vườn cây ăn quả chất lượng cao của HTX Đảo Ngọc,

xã Mường Bú (Mường La) sản xuất theo quy trình VietGAP.

Cùng với đó, Mường La tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Hoạt động khuyến nông được đặc biệt chú trọng, từ việc rà soát nhu cầu của nông dân, đến thông tin, tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng giống mới đáp ứng nhu cầu mùa vụ; hướng dẫn nông dân phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Các địa phương vận động bà con tích cực thâm canh ruộng nước, chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng trên đất dốc, tăng năng suất, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác; toàn huyện hiện có 3.244 ha cây ăn quả, cơ cấu các loại cây ăn quả có sự chuyển đổi theo hướng chuyên canh, tăng diện tích các loại cây đặc sản. Các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường hướng dẫn kỹ thuật lai ghép, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi những diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; triển khai các mô hình nhãn ghép, xoài ghép, cam V2 tại xã Hua Trai, Pi Toong, thị trấn Ít Ong; phục tráng giống xoài địa phương, lai ghép giống táo tại xã Tạ Bú, Mường Bú. Đặc biệt, huyện hỗ trợ bà con xã Nặm Păm khôi phục gần 20 ha ruộng nước sau thiên tai; hỗ trợ bà con trồng 145 ha cây ăn quả chất lượng cao, gồm bưởi da xanh, xoài ghép và liên kết với một số doanh nghiệp, HTX đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm. Chương trình phát triển chăn nuôi, trọng tâm là chăn nuôi đại gia súc được thực hiện hiệu quả thông qua nhiều dự án; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông chuyển sang nuôi nhốt và trồng cỏ (toàn huyện hiện có gần 37.000 con trâu, bò và 500 ha cỏ).

Chương trình nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ các nhà máy thủy điện được quan tâm, trong đề án phát triển thủy sản đến năm 2020, tập trung nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và người dân. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức đào tạo nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản cho các hộ TĐC thủy điện Sơn La, bảo đảm phát triển lĩnh vực thủy sản đi đôi với bảo vệ môi trường một cách bền vững. Đến nay, khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện có 159 lồng nuôi cá tầm, khoảng 600 lồng nuôi cá rô phi đơn tính, cá hồi, nheo lai, trắm cỏ, chép… Đầu năm nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố và trao Bằng chứng nhận nhãn hiệu “Cá sông Đà - Cá tầm Sơn La” cho tỉnh ta và một số HTX thủy sản trên địa bàn huyện được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” - đây là điều kiện quan trọng đối với lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất và kinh doanh thủy sản trên địa bàn, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cá sông Đà.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Mường La tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, HTX; chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn đăng ký thành lập mới các HTX. Trên địa bàn huyện hiện có 50 HTX; trong đó, 33 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là các HTX trồng cây ăn quả chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ các nhà máy thủy điện; hoàn thành xây dựng 3 chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hiện đang tiếp tục xây dựng thêm 2 chuỗi mới.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Mường La tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, bảo đảm phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao (chăn nuôi đại gia súc, trồng rau, quả sạch chất lượng cao...), đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, phục vụ tốt công tác xuất khẩu.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới