Dạy chữ cho phụ nữ vùng cao Xím Vàng

Đúng hẹn với chị Hạng Thị Dông, Chủ tịch Hội LHPN xã, đầu tháng 3, chúng tôi lên Xím Vàng để “thực mục sở thị” lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ nơi đây. Mỗi tối, dù sương mù, giá lạnh, những lớp học dành riêng cho phụ nữ Mông ở vùng cao Xím Vàng (Bắc Yên) vẫn sáng điện, rộn ràng tiếng đánh vần, đọc chữ; những phép tính cộng, trừ, nhân, chia, nét chữ viết còn chưa tròn trên bảng... nhưng không vì vậy mà chị em bỏ lớp.

 

Lớp học xóa mù chữ tại điểm trường Tiểu học, Mầm non bản Cúa Mang, xã Xím Vàng.

Khi đến điểm trường Tiểu học, mầm non bản Cúa Mang, chưa tới nơi, chúng tôi đã nghe tiếng đánh vần dù còn ngọng nghịu của các học viên, phá vỡ không gian tĩnh lặng của vùng cao về đêm. Trong lớp học xóa mù chữ, chúng tôi hết sức ấn tượng khi thấy một chị địu trên lưng đứa con nhỏ, đứa lớn hơn thì ngồi bên cạnh, cả mẹ và con đều  chăm chú khi nghe thầy giáo dạy cách phát âm, chỉ bảo cách viết. Theo quan sát thì tất cả học viên tại lớp xóa mù đều là lao động chính trong các gia đình; ban ngày, các chị lên nương lao động sản xuất, tối về lo cơm nước cho chồng con rồi lại tranh thủ đến lớp để học chữ. Nhiều chị, chồng thường xuyên đi làm xa nhà, không có người trông, nên phải mang con đến lớp. Có dịp chứng kiến một buổi học mới thấy hết được cái khát khao được học “con chữ” của bà con. Nhìn bàn tay chai sần vì cầm cuốc, vụng về cầm bút nắn nót viết từng chữ, khiến chúng tôi hết sức xúc động, càng thêm khâm phục ý chí quyết tâm của những “học sinh” đặc biệt này.

Chị Giàng Thị Nu (20 tuổi), bản Háng Tâu thật thà: Trước đây, lên xã làm giấy tờ gì thì chỉ lăn tay điểm chỉ hoặc nhờ người viết hộ. Nông sản mình thu được bao nhiêu cân, bán được bao nhiêu tiền cũng không biết. Được cán bộ Hội phụ nữ xã đến tận nhà vận động, mình cùng các chị em trong bản chưa biết chữ đi học ngay. Lúc đầu còn ngại thầy, cô giáo đấy, nhưng bây giờ đã biết đọc, biết viết tên mình rồi. Biết chữ, biết tính toán xuống chợ mua sắm không lo nữa. Còn chị Thào Thị Dinh, năm nay hơn 40 tuổi, cũng ở bản Cúa Mang kể về những ngày đầu làm quen với con chữ, tập viết tay còn cứng, nét chữ chưa tròn. Do vậy, khi lên nương, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, lấy que tập viết tên mình dưới đất, luyện mãi cũng quen tay, giờ tay đã viết được đúng tên mình, cũng như tên con cháu trong nhà...

Thầy giáo Nguyễn Hữu Bảo năm nay bước sang tuổi 55, đã nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục của vùng cao, rất vui khi được Ban Giám hiệu Trường PTDT bán trú Tiểu học, THCS xã Xím Vàng phân công dạy lớp xóa mù chữ cho bà con bản Háng Tâu, Cúa Mang. Thầy chia sẻ: Tuy nhận thức còn chậm, nhưng bù lại các bà, các chị lại có ý thức cao trong học tập, luôn sắp xếp việc nhà để đi học đủ, đúng giờ, chăm chỉ ôn bài, học bài. Mỗi học viên sau 2 tuần là biết đọc, biết viết những từ cơ bản.

 

Lớp xóa mù chữ tại bản Xím Vàng.

 

Còn tại nhà văn hóa bản Xím Vàng, lớp xóa mù chữ có 25 học viên, do điện không đủ sáng nên những học viên lớn tuổi đeo thêm chiếc đèn pin trên đầu để trợ sáng. Bài học ngày hôm ấy các học viên luyện đọc về cách giữ gìn vệ sinh phòng ngừa bệnh nhiễm trùng mắt; cách bảo vệ mắt. Sự tập trung của các học viên khiến chúng tôi hết sức ấn tượng. Những bài học bổ ích đã giúp họ thay đổi tư duy, nhận thức trong chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Ðược biết, toàn xã có 3 lớp học xóa mù chữ, với 81 học viên học tại điểm Trường Tiểu học, mầm non bản Cúa Mang; Nhà văn hóa bản Xím Vàng, Nhà văn hóa bản Sồng Chống. Các lớp học xóa mù chữ khai giảng từ ngày 1/11/2018 và sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 này; thời gian học từ 19 giờ đến 21 giờ 30 mỗi tối chủ nhật đến thứ năm hằng tuần. Học viên đều là phụ nữ đồng bào dân tộc Mông, độ tuổi từ 20 đến hơn 40. Các học viên được học tiếng Việt và toán cơ bản. Giáo án chương trình được giáo viên hoàn chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế và trình độ của học viên. Chính vì thế, chương trình xóa mù chữ trước tiên sẽ giúp bà con biết đọc, biết viết, biết tính toán, sau đó là biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật. Để khuyến khích người dân học chữ, nhà trường đã phân công giáo viên dạy học miễn học phí, hỗ trợ toàn bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học viên. Ngoài ra, để tạo tâm lý thoải mái để học viên tiếp thu bài tốt, sau mỗi giờ giải lao, giáo viên còn quan tâm trò chuyện, hỏi thăm đời sống của bà con; qua đó tranh thủ tuyên truyền người dân phát triển kinh tế gia đình,  xóa bỏ các hủ tục, như nạn tảo hôn, mê tín dị đoan...

Chủ tịch Hội LHPN xã Hạng Thị Dông cho hay, Hội đang tiếp tục tiến hành rà soát những đối tượng còn mù chữ, tái mù chữ để tuyên truyền, vận động bà con tham gia các lớp xóa mù chữ. Biết đọc, biết viết chữ, việc tiếp nhận chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hay học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cũng thuận lợi hơn.

Về khuya, không gian vùng cao được bao trùm bởi làn sương mỏng khiến thời tiết trở nên lạnh hơn. Buổi học kết thúc, tiếng cười, nói chuyện rôm rả trên đường về, những đứa bé địu trên lưng mẹ đã ngủ say từ bao giờ. Một buổi ở lớp học xóa mù chữ vùng cao đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng khó quên, nụ cười rạng rỡ khi các chị viết được tên mình, khi làm được những phép tính của học sinh tiểu học..., những “con chữ” sẽ nâng cao dân trí, giúp họ áp dụng những kiến thức sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Thu Thảo (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới