Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Yên Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm, giúp lao động nông thôn có tay nghề, kiến thức để phát triển kinh tế, sản xuất, có thu nhập ổn định.

Toàn huyện có gần 48.500 người trong độ tuổi lao động, chiếm trên 60% dân số. Tuy nguồn lao động dồi dào nhưng phần lớn là lao động nông nghiệp, chưa qua đào tạo, tự tìm việc làm. Đồng chí Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, hằng năm, huyện đã khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, ưu tiên dạy nghề cho người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập trung vào các ngành nghề đào tạo, như: trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp, cơ khí, xây dựng...

 

Người dân bản Kim Chung 1, xã Phiêng Khoài áp dụng khoa học kỹ thuật vào thu hái chè. 

           

Từ năm 2010 đến nay, huyện Yên Châu đã tổ chức 43 lớp đào tạo nghề với gần 1.400 học viên tham gia. Các học viên vừa học lý thuyết, vừa được thực hành ở cơ sở, do đó chất lượng các lớp dạy nghề ngày càng nâng cao. Sau dạy nghề có trên 80% lao động áp dụng những kiến thức được học vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập cho gia đình. Một số học viên còn truyền đạt, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân trong bản, xã để phát triển kinh tế.

           

Những năm trước đây, đồi chè của gia đình ông Vũ Văn An, bản Kim Chung 1, xã Phiêng Khoài thường xuyên bị sâu bệnh hại, phải đốn bỏ, sau khi tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật trồng trọt do huyện tổ chức, ông đã áp dụng những kiến thức được học vào thâm canh, từ đó đồi chè đã cho năng suất cao hơn. Ông An chia sẻ: Gia đình tôi trồng gần 2 ha chè, do chưa có kỹ thuật chăm sóc nên cây thường bị sâu bệnh, xoăn lá, thối búp, hiệu quả kinh tế không cao. Tham gia lớp đào tạo nghề, tôi đã biết và áp dụng các kỹ thuật trồng chè theo hướng hữu cơ, cách phòng trừ sâu bệnh, thu hái và bảo quản búp tươi đúng cách, nên hiệu quả kinh tế từ cây chè tăng lên rất nhiều. Hằng năm, tôi thu hoạch khoảng 25 tấn chè, thu nhập từ 70-80 triệu đồng.

           

Còn gia đình anh Hà Văn Hải, bản Thồng Phiêng, xã Chiềng Pằn, trung bình mỗi năm nuôi 140 con lợn thương phẩm, trước đây gia đình đã xây dựng bể gạch chứa chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, lượng chất thải lớn, không được xử lý kịp thời, nên có mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và các hộ lân cận. Anh Hải cho biết: Tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi, tôi được hướng dẫn cách xử lý chất thải, xây hầm khí sinh học biogas. Từ khi có hầm khí sinh học, khu chăn nuôi không còn tình trạng ô nhiễm, đàn lợn sinh trưởng tốt. Ngoài ra, tận dụng nguồn khí đốt dồi dào từ hầm khí sinh học, tôi đã thiết kế 2 bếp nấu phục vụ sinh hoạt gia đình và một bếp nấu cám cho đàn lợn; nguồn nước thải qua xử lý sử dụng tưới cho diện tích cây ăn quả, nhờ vậy đã giảm được một khoản chi phí mua chất đốt và nước tưới tiêu.

 

Hội Nông dân huyện Yên Châu hướng dẫn kỹ thuật ủ chua thức ăn cho gia súc tại xã Chiềng On.

           

Không chỉ hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, huyện còn quan tâm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề; phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, các đơn vị được cấp phép thông báo đến người lao động đăng ký nhu cầu học ngoại ngữ tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... và tư vấn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn cũng đã phối hợp với các đơn vị được giới thiệu, tổ chức trên 30 hội nghị tư vấn để tuyển chọn lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước với tổng số trên 3.200 lao động. Đồng thời, tổ chức ngày hội việc làm thu hút 30 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và gần 1.000 lượt người lao động, đoàn viên thanh niên và học sinh tham gia.

           

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Yên Châu vẫn còn gặp những khó khăn như: Việc thông tin, tuyên truyền chính sách hỗ trợ học nghề, việc làm đến với người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; ngành nghề đào tạo chưa phong phú; nguồn kinh phí đào tạo nghề và mức hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn còn thấp, chưa tạo động lực, khuyến khích nhiều người tham gia...

Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, huyện Yên Châu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tập trung đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu của lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường. Hỗ trợ cho nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất; liên kết với các doanh nghiệp giúp đỡ người lao động tìm việc làm sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề... góp phần tăng thu nhập cho lao động, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động nông thôn của huyện có việc làm sau khi học nghề đạt trên 80%.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới