Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng "không có vùng cấm"

Lịch sử hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây Đảng, coi đây là “nhiệm vụ then chốt”, trong đó, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Tuyên án 8 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở Y tế tỉnh Sơn La.

Dù Đảng rất coi trọng công tác cán bộ; Nhà nước pháp quyền luôn nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, song trước tác động mặt trái của cơ chế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã sa ngã, thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng.

Có thể thấy được thực trạng này từ nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp gần đây, như vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án “Tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng; vụ án buôn bán thuốc giả liên quan đến vi phạm của nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường…

Những năm qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm chỉ đạo, thực hiện sứ mệnh vĩ đại “đốt lò”, xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân ghi nhận, tin tưởng, được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Đảng ta đang quyết tâm hơn lúc nào hết trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nhiều lĩnh vực mới, khó, tồn tại lâu dài như: Đất đai, tài chính, thị trường chứng khoán đều đã được điểm tên và xử lý nghiêm minh.

Tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thể hiện rõ quan điểm không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi sai phạm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Trên mạng xã hội, trang Facebook của Việt Tân, RFA, BBC Tiếng Việt, VOA và một số trang mạng có truyền thống chống phá khác đã xuyên tạc, bịa đặt cho rằng: “tham nhũng ở Việt Nam là chuyện cũ mèm, bịt mắt, bịt mồm dân…”; chúng suy diễn công tác cán bộ của Đảng là “sai lầm nên mới nhiều cán bộ hư hỏng, bị kỷ luật như vậy”; họ bịa đặt công cuộc chống tham nhũng là “đấu tranh phe phái”; họ bóp méo sự thật nhằm phủ nhận thành quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xuyên tạc chủ trương, đường lối, thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta. Họ cố tình gây hiểu sai trong dư luận nhân dân về công tác cán bộ của Đảng, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết của chúng ta. Họ gây tâm lý mơ hồ, hoài nghi trong suy nghĩ của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Từ đó, kích động sự chống đối của một số phần tử với Đảng, đòi thay đổi chế độ chính trị, yêu cầu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đây thực chất là trò chống phá kiểu “bình mới rượu cũ” của số đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Số này cố gắng bôi lem, vấy bẩn công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam; ra sức phủ nhận thực tế hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, phủ nhận mọi nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc đẩy lùi vấn nạn tham nhũng; tìm cách gieo rắc tâm lý bất an, gây ra sự hoài nghi về các chủ trương, quyết sách của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, lấy cớ kích động gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo ra sự đối lập, bất ổn từ bên trong.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tính từ năm 2013 đến 2020, cả nước đã có hơn 1.900 vụ án tham nhũng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; 131.000 đảng viên, trong đó hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật. Chỉ tính riêng năm 2021, cơ quan có thẩm quyền đã kỷ luật 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 so với năm 2020), trong đó 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là những con số biết nói, khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Tham nhũng hiện vẫn diễn biến rất phức tạp, được xem là một trong các nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Mặc dù kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đạt được là rất quan trọng, song công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Xét trên phương diện lý luận và thực tiễn đó, Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là chủ trương quan trọng, cần thiết, thể hiện rõ tinh thần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!”. Đồng thời là cơ sở để phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch xung quanh vấn đề này.

Thượng tá Đinh Ngọc Du (Phó Trưởng phòng PA02, Công an Sơn La)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới