Công tác xã hội hóa giáo dục ở Mộc Châu

Nhiều năm qua, huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục, trường học đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, với nhiều giải pháp linh hoạt và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục, quy mô trường lớp ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu học tập.

 

Trường Mầm non Mộc Lỵ, thị trấn Mộc Châu (Mộc Châu) được đầu tư trang thiết bị từ nguồn xã hội hóa.

 

Để thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, huyện Mộc Châu luôn chú trọng tuyên truyền, vận động bằng nhiều biện pháp sáng tạo; chú trọng hoạt động kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân dưới các hình thức, như tặng học bổng, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, tặng tài liệu, đồ dùng học tập... Năm học vừa qua, huyện đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học; đã xây dựng 74 phòng học, 3 nhà hiệu bộ, bếp một chiều cho 3 đơn vị trường học, trị giá gần 48 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị cho 7 đơn vị trường học; bố trí nguồn kinh phí cho các nhà trường để mua sắm sách, thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 1.

 

Ông Ngô Ngọc Toàn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mộc Châu, cho biết: Ngoài kinh phí do Nhà nước cấp, việc huy động sự ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, giúp đỡ cán bộ, giáo viên và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... cũng được quan tâm. Năm học vừa qua, đã ủng hộ xây dựng nhà lớp học, cổng, sân chơi, công trình vệ sinh, trang thiết bị dạy học, đồ dùng phục vụ công tác bán trú, ủng hộ quần áo, đồ dùng học tập, sách giáo khoa cho học sinh... với tổng giá trị 4 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2018-2020, ngành GD-ĐT đã vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ngành giáo dục ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng; vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đỡ đầu 184 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 500.000đ/tháng trong thời gian 3 năm, với số tiền trên 3 tỷ đồng. Huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển giáo dục, thực hiện hiệu quả chương trình sữa học đường, 100% trẻ mầm non đến trường được uống sữa tăng 3.786 trẻ so với năm học 2018-2019.

 

Thực hiện xã hội hóa trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, ngoài các tiêu chuẩn, tiêu chí được đầu tư từ ngân sách, từ việc nâng cao chất lượng đội ngũ, công tác tổ chức bộ máy thì tiêu chí liên quan đến công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; ngành GD-ĐT huyện còn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể cấp xã, huyện, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cha mẹ học sinh để thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Kết thúc năm học 2019-2020, toàn huyện có thêm 2 trường được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và 1 trường cấp độ 3; 2 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 1 trường được công nhận mức độ 2, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 25 trường. Phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban liên quan, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền tại địa phương; kết hợp với trung tâm học tâm cộng đồng các xã, thị trấn, hội khuyến học, các tổ chức, đoàn thể thực hiện tốt viêc huy động học sinh ra lớp, rà soát, mở các lớp xóa mù chữ, lớp giáo dục sau biết chữ, lớp học chương trình giáo dục thường xuyên... Từ đó, đã thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn. Tính đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2.

 

Đặc biệt, Mộc Châu luôn chú trọng công tác phòng, chống ma tuý học đường, ngành GD-ĐT huyện đã chủ động tham mưu cho huyện trong chỉ đạo, xây dựng các chuyên đề về phòng, chống ma túy học đường và triển khai tới các đơn vị trường học, các xã, thị trấn. Phối hợp với Công an huyện Mộc Châu, công an các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, giáo dục đến người đân, quản lý tốt học sinh trong và ngoài giờ học, nắm tình hình liên quan đến ma tuý học đường; thực hiện việc phát giác cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh liên quan đến ma túy để kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định. Qua triển khai phát giác đợt 1 năm 2020, đã có 26/26 đơn vị trường học có 1.319 phiếu phát giác của cán bộ giáo viên, nhân viên và 10.376 phiếu của học sinh; qua đó, phát giác 27 cá nhân nghi liên quan đến ma túy.

 

Có thể thấy, hiệu quả từ hoạt động xã hội hóa giáo dục ở Mộc Châu đã thể hiện qua việc hệ thống trường, lớp ngày càng được quan tâm đầu tư, xây dựng, công tác dạy và học có nhiều khởi sắc, ma túy học đường được kiểm soát chặt chẽ đã tạo chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, môi trường học tập... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới