Có người thầy giáo mầm non như thế

Nói đến giáo viên dạy học mầm non, đặc biệt là ở những bản vùng cao đặc biệt khó khăn thì ai cũng nghĩ ngay đến công việc đòi hỏi sự chăm chỉ, bao dung, đôi bàn tay khéo léo và sự kiên nhẫn của các cô giáo. Nhưng ở bản Huổi Luông, xã Mường Lèo lại là thầy giáo Lường Văn Dương, giáo viên mầm non duy nhất của huyện biên giới Sốp Cộp, với những công việc khiến chúng tôi vô cùng xúc động, cảm phục và tin tưởng.

Thầy giáo Lường Văn Dương trong giờ dạy vẽ cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Vượt quãng đường 90 km từ trung tâm huyện Sốp Cộp, trong đó khoảng 30km cực kỳ khó đi, chúng tôi tới được bản Huổi Luông. Xen giữa những nóc nhà gỗ của đồng bào dân tộc Mông ẩn khuất trong cánh rừng già là ngôi trường mầm non đang được xây dựng khá kiên cố. Còn trong lớp học tạm, 18 em bé ở bậc 3 tuổi đang bi bô hát. Ở điểm trường mầm non này có chừng 60 học sinh, ngoài thầy Dương thì còn có 2 cô giáo nhà ở cạnh bản Huổi Luông lên tăng cường. Thầy giáo Lường Văn Dương nói với chúng tôi: Lớp học tạm này là của người dân nhường cho để các cháu có chỗ học. Hết năm nay, nhà lớp học mới xây xong, sau tết các cháu bé mới có chỗ học mới! Trò chuyện thân tình, chúng tôi mới biết thầy giáo Dương là “công dân” bản Nà Khi, xã Mường Lạn - một xã vùng cao biên giới của huyện Sốp Cộp - thấu hiểu sự vất vả, nhọc nhằn của những giáo viên mầm non, nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, đồng cảm với những khó khăn của giáo viên mầm non, thầy giáo Dương không đắn đo, suy nghĩ khi đăng ký học giáo viên mầm non tại Trường Cao đẳng Sơn La. Ra trường năm 2015, thầy giáo xung phong vào bản Huổi Luông dạy học. Cũng từ ấy đến giờ, bàn chân thầy giáo đã in dấu ở các bản Nậm Khún, Sam Quảng, Huổi Áng, Huổi Luông - những bản khó khăn bậc nhất của xã Mường Lèo. Khi trò chuyện, thầy giáo thật thà: Ngày đầu đứng lớp nhiều ngỡ ngàng lắm, học sinh cứ ngơ ngác nhìn thầy, bởi chúng chưa bao giờ thấy thầy giáo mầm non cả. Dạy học sinh vùng cao cực khó bởi hầu hết trẻ không biết tiếng phổ thông, tiếp thu các kiến thức rất chậm. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, tôi tự học tiếng Mông để thuận tiện trong giảng dạy. Còn nhớ năm 2017, khi lên bản Nậm Khún, đoạn đường chỉ 7 km mà tôi cùng với một giáo viên nữa phải mang cuốc theo, để vừa đi vừa tự mở đường. Ở Huổi Luông càng khó hơn, mùa mưa thì bản gần như bị cô lập do đường bị sạt lở, trôi lấp... Huổi Luông bây giờ cũng chưa có điện lưới, nước thì lấy từ suối lên, mùa khô càng khan hiếm nước cho dù đã hết sức tiết kiệm. Thế nên, thầy giáo Dương đã cùng một giáo viên tiểu học khác góp tiền mua máy bơm lấy nước. Khó khăn nữa là thực phẩm, người dân ở bản tự cung tự cấp nên giáo viên cũng phải tự túc. Chẳng vậy mà mỗi lần về thăm nhà đều phải mang thực phẩm lên dùng cho cả tuần, còn chủ yếu là những quả bí, củ sắn, bát gạo nếp nương bà con trong bản mang cho. Việc vận động trẻ ra lớp ở Huổi Luông càng khó khăn, bởi vào mùa vụ, người dân thường mang trẻ lên nương, rất khó gặp các phụ huynh. Thế nên, cứ tối đến, thầy giáo Dương lại phải cùng các giáo viên khác  đến từng nhà vận động người dân cho trẻ đến trường. Cũng may, phụ huynh đồng tình nên sỹ số các lớp mầm non không bị sụt ngót. Thời tiết ở đây rất thất thường, trời có thể đổ mưa bất cứ lúc nào, khiến đường đến trường thêm khó khăn. Chẳng quản, các thầy giáo, cô giáo lại đến tận nhà đón các cháu nhỏ.

Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng chứng kiến thầy giáo Dương và các học sinh trong giờ lên lớp. Hóa ra, không chỉ dạy các chữ cái đơn thuần mà thầy giáo còn dạy múa, dạy hát hết sức thuần thục, điêu luyện. Thế mới hiểu tại sao không chỉ học sinh, mà cả các cô giáo và phụ huynh cũng rất thích nghe thầy giáo Dương lên lớp dạy chữ, dạy hát và múa. Tìm hiểu thêm, chúng tôi biết thầy giáo Dương năm nay đã 26 tuổi nhưng chưa lập gia đình.  Nhà cách trường hơn 100 cây số, nên thầy giáo thường ở lại Huổi Luông 2 - 3 tuần mới về thăm nhà một lần. Xác định đã chọn nghề thì quyết tâm theo bằng được và phải không thua kém các nữ giáo viên, không biết có phải vì thế mà thầy giáo Dương rất được phụ huynh và học sinh quý mến. Thân tình hỏi về dự định lập gia đình, thầy giáo Lường Văn Dương cười hiền: Em chưa nghĩ đến chuyện đó đâu. Còn trẻ, em muốn cống hiến nhiều nữa cho sự nghiệp giáo dục, cho tương lai của các em học sinh vùng cao.

Rời Huổi Luông lúc chiều muộn, các cháu nhỏ cùng thầy giáo Dương lưu luyến tiễn chúng tôi ra tận cuối bản, những cánh tay bé xíu vẫy chào và lời tạm biệt còn ngọng nghịu. Thầy giáo Dương nắm chặt tay tôi: Các anh nói giúp nhé! Làm sao cho Huổi Luông và các bản vùng cao ở đây sớm có điện lưới, có đường đi thuận tiện, có trường, có lớp đàng hoàng để con trẻ được đi học, nuôi dưỡng ước mơ...

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới