Chuyển đổi số chắp cánh cho doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh thông qua việc chuyển dần các giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong điều hành quản trị doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

                      

           

Xưởng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng của đại lý Honda ô tô Hà Hường với trang thiết bị tự động hóa cao.

           

Chuyển đổi số là một quá trình thay đổi từ phương thức thủ công truyền thống sang áp dụng công nghệ với các trụ cột là Big data, internet, kết nối vạn vật, điện toán đám mây... Công nghệ số đang hiện diện và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

           

Nhiều doanh nghiệp, HTX đã ứng dụng các phần mềm chuyên dụng phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ cung cấp điện, nước, viễn thông đã sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch ứng dụng công nghệ trong việc kết nối, xúc tiến, quảng bá hình ảnh sản phẩm; trong lĩnh vực nông nghiệp thì ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...

           

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp, HTX triển khai xây dựng website thương mại điện tử phù hợp mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các website thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm hiệu quả với mức chi phí thấp. Các hình thức thanh toán điện tử bao gồm: Thanh toán điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp (B2G) cũng đang dần trở nên phổ biến.

           

Đại lý Honda ô tô Hà Hường, phường Chiềng Sinh (Thành phố) là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị và kinh doanh. Ông Đỗ Huy Hoàng, Giám đốc đại lý, cho biết: Đại lý hiện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực từ bán hàng, dịch vụ phụ tùng cho tới chăm sóc khách hàng. Đại lý đã sử dụng phần mềm SCA - là phần mềm hỗ trợ tư vấn bán hàng trên Ipad. Tư vấn bán hàng sử dụng phần mềm tương tác để giới thiệu, tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Phần mềm còn hỗ trợ tư vấn bán hàng lưu thông tin, nhu cầu của khách hàng. Đối với phần mềm SAP, đại lý có thể kiểm soát dữ liệu khách hàng và các hoạt động kinh doanh bán hàng của đại lý, như: màu xe, loại xe, khách hàng lái thử xe... đến các vấn đề liên quan đến nhà cung cấp, kế hoạch đặt hàng, kế hoạch xe về, kiểm soát lượng tồn kho. Nhờ vậy, đã tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí kiểm soát nguồn hàng hóa.

           

Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ y tế, Bệnh viện Đa khoa Cuộc sống, phường Chiềng Cơi (Thành phố) đã có bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Hiện, Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin với 3 hệ thống, gồm: Phần mềm His - quản lý bệnh viện; phần mềm lis - kết nối toàn bộ hệ thống labo xét nghiệm và ứng dụng công nghệ PACS - truyền tải dữ liệu ảnh dùng để chẩn đoán ảnh từ xa. Trong đó, hệ thống ứng dụng quản lý khám chữa bệnh là một hệ thống quản lý thông tin bệnh viện tổng thể, gồm nhiều tính năng, phân hệ hoạt động đồng bộ, xuyên suốt trong các hoạt động của bệnh viện, từ khâu đăng ký, khám bệnh, điều trị, viện phí, cấp thuốc cho đến khi xuất viện.

           

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình làm việc giữa các phòng, ban, bộ phận chuyên môn; giúp mọi người hòa nhập và kết nối hơn trong công việc. Ứng dụng công nghệ số còn tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị DN; giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là nâng cao khả năng cạnh tranh DN.

           

Hiện nay, mức độ ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh vẫn hạn chế, nguyên nhân chính là do hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ; nhiều doanh nghiệp của tỉnh chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại; quy mô kinh tế số còn nhỏ. Số doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều, toàn tỉnh mới có 97 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh liên quan đến công nghệ thông tin, với 1.361 lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

           

Để tạo bước đột phá chuyển đổi số trong doanh nghiệp, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, thì các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến đào tạo nâng cao trình độ người lao động, đảm bảo có khả năng làm chủ và khai thác, phát huy hiệu quả công nghệ. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh; tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ số, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của DN.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới