Chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về chương trình chuyển đổi số, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tập trung chỉ đạo triển khai với mục tiêu tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, để tăng hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng quản lý vận hành lưới điện và mức độ hài lòng khách hàng. Phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.

                                       

Vệ sinh công nghiệp hệ thống lưới điện bằng công nghệ hotline.

             

Ông Trần Duy Trinh, Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La, cho biết: Để đáp ứng yêu cầu chương trình chuyển đổi số của EVN, từ đầu năm 2021, Công ty Điện lực Sơn La đã xây dựng kế hoạch và triển khai đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công nhân có thể tiếp thu, sử dụng, khai thác hiệu quả hệ thống thiết bị, bảo đảm khai thác các phần mềm, ứng dụng dùng chung, dùng riêng. Đồng thời, triển khai phương án đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin có tính dự phòng và an toàn thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.

             

Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế, Công ty Điện lực Sơn La đang quản lý gần 550 km đường dây cao thế và 6 trạm biến áp 110 kV tại Thành phố, Thuận Châu, Mường La, Phù Yên, Mộc Châu và Sông Mã. Những năm gần đây, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số quản lý vận hành hệ thống đường dây, trạm biến áp 110 kV và sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lưới điện 110 kV. Ông Phạm Tân Tiến, Đội trưởng chia sẻ: Đơn vị đang sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý kỹ thuật, như phần mềm PMIS, GIS, bản đồ sét và thường xuyên cập nhật, chuẩn hóa. Qua đó, không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, mà còn nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và tiết kiệm chi phí, nhất là trong công tác sửa chữa bảo dưỡng được thực hiện dựa trên việc phân tích nhật ký vận hành, thu thập dữ liệu tình trạng thiết bị, từ đó phát hiện sớm các nguy cơ có thể gây ra sự cố để xử lý kịp thời.

             

Tại trung tâm điều khiển xa, mô hình trạm biến áp không người trực được đưa vào vận hành đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác vận hành, điều hành lưới điện. Với việc ứng dụng hệ thống SCADA vào quá trình giám sát, thao tác thiết bị, việc xử lý sự cố được thực hiện đơn giản, rút ngắn thời gian, giảm nhân lực, nâng cao năng suất lao động, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy và đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện. Để trung tâm điều khiển được hoạt động ổn định, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống truyền dẫn, thu thập dữ liệu được đầu tư đồng bộ, các trang thiết bị, phần mềm phục vụ giám sát tình trạng hoạt động các kênh truyền, các thiết bị được vận hành hiệu quả. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện số hóa các quy trình nghiệp vụ phục vụ công tác vận hành, như chuẩn hóa, số hóa các biểu mẫu báo cáo, chuyển đổi dữ liệu thông số vận hành từ dạng vật lý sang dạng số; các thông tin sự cố cũng được cập nhập lên phần mềm, trang web đảm bảo tính công khai, minh bạch về số liệu.

             

Đồng thời, Công ty đã triển khai chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ và khai thác thông tin về khách hàng, tài sản, con người, quy trình nghiệp vụ để thực hiện số hóa dữ liệu, ứng dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Điểm nổi bật là việc đẩy mạnh và đa dạng hóa các giải pháp thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt cho khách hàng. Công ty đã phối hợp với các ngân hàng thương mại và tổ chức trung gian trên địa bàn để cung cấp các giải pháp thanh toán tiền điện cho khách hàng sử dụng điện. Tập trung phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trích nợ tự động qua tài khoản các ngân hàng, ví điện tử... Các kênh thanh toán điện tử, như Internet/mobile/SMS Banking, qua website, qua ví điện tử (ZaloPay, Momo, Viettel Pay...), mã QR... đã tạo điều kiện cho khách hàng có thể thanh toán tiền điện, tiền phí dịch vụ điện khác mọi lúc, mọi nơi. Hình thức trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử để thanh toán tiền điện, tiền phí dịch vụ điện khác được nhiều khách hàng lựa chọn, bởi tiết kiệm được thời gian và an toàn trong giao dịch. Tính riêng trong tháng 8 vừa qua, có 180.912 hóa đơn thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó, 40.137 hóa đơn thanh toán theo hình thức trích nợ tự động; 100% khách hàng thanh toán dịch vụ điện có thu phí không dùng tiền mặt.

             

Để bảo đảm các mục tiêu theo kế hoạch chuyển đổi số của EVN, Công ty Điện lực Sơn La đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ theo đúng định hướng của EVN và Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, phục vụ hiệu quả công tác điều độ, điều khiển và vận hành hệ thống lưới điện quốc gia. Đẩy mạnh việc khuyến khích các đơn vị và cán bộ, công nhân trong toàn đơn vị triển khai chuyển đổi số một cách linh hoạt, sáng tạo, nghiên cứu đề tài ứng dụng vào thực tế, góp phần hoàn thành chương trình chuyển đổi số của Công ty.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới