Chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững

Thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, hỗ trợ chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất từ tự phát, nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo chuỗi liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự, tạo sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đến nay tỉnh đã có 138/188 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức hình thức sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 18,2%, 41 xã đạt chuẩn NTM.

 

 

Cán bộ Tập đoàn TH tham quan vườn cây ăn quả chất lượng cao

của HTX Trường Tiến, xã Chiềng Ban (Mai Sơn). 

 

Tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất gồm 2 chỉ tiêu, đó là: Xã có HTX hoạt động đúng quy định của Luật HTX năm 2012; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng, là phương thức tổ chức cho nông dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững. Theo đó, công tác tổ chức lại HTX gắn với chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012 được quan tâm triển khai, nhất là đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều HTX đã được tiếp cận với chính sách hỗ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, như: Hỗ trợ vốn vay ưu đãi; hỗ trợ kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi, phân bón; xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, quản lý HTX; xây dựng thương hiệu, tem nhãn, bao bì; thí điểm bố trí cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX; thí điểm mô hình sử dụng phân bón hữu cơ... Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu; toàn tỉnh hiện có 661 HTX, hơn 258 tổ HTX, 5 liên hiệp HTX, với tổng số 31.944 thành viên; duy trì và phát triển 120 chuỗi nông sản, thủy sản an toàn.

 

Để nâng cao chất lượng hình thức tổ chức sản xuất, tỉnh đã và đang triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trên cơ sở khảo sát, đăng ký tham gia Chương trình, các tổ chức kinh tế, cá nhân được hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã có, tư vấn phát triển sản phẩm để hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, giấy tờ liên quan và hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Hiện, toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai, trong đó 18 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu, đó là: 3 sản phẩm chỉ dẫn địa lý (chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, Cà phê Sơn La); 13 nhãn hiệu chứng nhận (chè ôlong Mộc Châu; chè Phổng Lái Thuận Châu; rau an toàn Mộc Châu; nếp Mường Và Sốp Cộp; cá tầm Sơn La; cá sông Đà Sơn La; cam Phù Yên; nhãn Sông Mã; khoai sọ Thuận Châu; táo Sơn tra Sơn La; na Mai Sơn; bơ Mộc Châu; chuối Yên Châu); 2 nhãn hiệu tập thể (chè Tà Xùa và mật ong Sơn La). Hiện toàn tỉnh có 28 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

 

 

Bà con bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái (Thuận Châu) thu hái chè.

Ảnh: Nguyễn Thảo

 

Thành lập năm 2018,  HTX tinh dầu dược liệu Mường La hiện có 12 thành viên, quy mô sản xuất 85 ha sả Java và sả chanh; doanh thu 10 tháng năm 2020 đạt 1,2 tỷ đồng; thu nhập bình quân thành viên đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Bà Lò Thị Kim Thương, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, toàn bộ diện tích trồng sả của HTX được trồng ngô, sắn, năng suất thấp, cuộc sống của các hộ dân gặp nhiều khó khăn. Được huyện tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ, HTX đã trồng thử nghiệm và chiết xuất thành công tinh dầu sả Java và sả chanh. Đồng thời, được hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tem, nhãn, bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu, năm 2019, tinh dầu sả Java được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu biểu và sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Hiện nay, HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đại lý tại Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang; cung cấp cho các doanh nghiệp ở Tuyên Quang và Lai Châu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ sự liên kết này, HTX có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ hoạt động sản xuất tinh dầu, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, ổn định thu nhập cho các thành viên.

 

Thời gian tới, cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tỉnh tiếp tục huy động lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để triển khai các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ thực hiện hiệu quả tiêu chí số 13 nói riêng và 19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM nói chung, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 83 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới