Chiềng Hặc phát triển cây ăn quả

Những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Chiềng Hặc (Yên Châu) đã cải tạo đất vườn, đất đồi để trồng cây ăn quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

Mô hình trồng nhãn ghép chín muộn của nông dân xã Chiềng Hặc (Yên Châu).

 

Trước đây, ở xã Chiềng Hặc, bà con đã trồng cây ăn quả, nhưng manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu để phục vụ gia đình. Nhận thấy cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, Đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền xã và các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Do vậy, mấy năm gần đây, nông dân trong xã đã cải tạo vườn tạp và chuyển đổi diện tích đất dốc trồng cây ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Chương trình 135, năm 2015, 63 hộ dân thuộc 3 bản đặc biệt khó khăn: Co Sáy, Bó Kiếng, Chi Đảy được hỗ trợ trên 2.200 cây nhãn giống và 2.520 cây chanh giống để phát triển sản xuất. Hiện, toàn xã có trên 356 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn chín muộn, xoài Yên Châu, xoài Đài Loan... Riêng cây vải chín sớm đang được người dân trồng thử nghiệm trên 5 ha, khá thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu, bước đầu đạt hiệu quả tương đối cao.

Diện tích cây ăn quả của xã tập trung chủ yếu tại các bản: Huổi Mong, Văng Lùng, Huổi Thón, có lợi thế về đất đai, đồi dốc vừa phải, nguồn nước tương đối ổn định, phù hợp với việc phát triển các loại cây ăn quả. Sau khi ghép năm thứ 2, thứ 3, các vườn nhãn chín muộn, xoài ghép đã bắt đầu cho thu hoạch. Một số hộ dân có vườn cây ăn quả với quy mô hàng nghìn cây, nhiều hộ giàu lên từ cây ăn quả, điển hình như gia đình chị Hoàng Thị Thủy, bản Văng Lùng, trồng 3 ha xoài, nhãn, thu hơn 200 triệu đồng/năm; anh Hà Văn Tới, bản Huổi Mong, thu trên 400 triệu đồng/năm từ cây nhãn; nhiều hộ khác thu từ 80-100 triệu đồng/năm...

Đến thăm vườn cây ăn quả của ông Hà Văn Bình, bản Huổi Mong, trồng trên 200 gốc nhãn ghép, 300 gốc xoài Đài Loan, xen với chanh bốn mùa, thu trên 300 triệu đồng/năm. Ông Bình chia sẻ: Để có được vườn cây này, năm 2013, tôi đã phá bỏ một phần diện tích mận già cỗi và đầu tư hơn 50 triệu đồng để ghép mắt nhãn chín muộn, xoài Đài Loan; đầu tư chăm sóc cẩn thận nên vụ nào cây cũng rất sai quả. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm cây giống, tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả. Không riêng gia đình tôi mà trong bản còn nhiều hộ có thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm từ cây ăn quả.

Là một trong những hộ đi đầu trong việc cải tạo vườn tạp của xã Chiềng Hặc, năm 2014, anh Hà Văn Bia, bản Văng Lùng đã đầu tư ghép hơn 200 cây nhãn chín muộn, 200 cây xoài Đài Loan, 100 cây vải chín sớm. Anh Bia cho biết: Năm nay, vườn cây cho thu hơn 5 tấn xoài, trên 7 tấn nhãn, 2 tấn vải. Với giá ổn định 20.000 đồng/kg xoài, 18.000 đồng/kg nhãn, 25.000 đồng/kg vải, gia đình tôi thu hơn 300 triệu đồng...

Thực tế cho thấy, phát triển cây ăn quả ở xã Chiềng Hặc đã mở ra triển vọng đối với kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thêm diện tích, ngoài thị trường tiêu thụ ổn định, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, người dân cần chủ động áp dụng các phương pháp cải tạo, chọn lọc và loại bỏ giống chất lượng thấp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác, góp phần giảm nghèo bền vững.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới