Cần ngăn chặn việc săn bắt, mua bán dúi rừng

Khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng người dân săn bắt dúi rừng tại huyện: Thuận Châu, Bắc Yên, Sốp Cộp, Sông Mã, Mường La gia tăng; những cánh rừng tre, vầu chi chít những dấu hang cũ, mới đào dúi sâu 1,5 - 2m, rộng 4 - 5 m² gây xói mòn đất, nhiều cây xung quanh bị chặt dễ chết héo. Việc săn bắt, bán hàng nghìn con dúi rừng/năm làm giảm nhanh số lượng loài dúi và tàn phá môi trường sinh thái rừng.

Thâm nhập vào việc săn bắt, mua bán dúi thời điểm này khá dễ dàng. Anh Giàng A Th, bản Phá Thóng, xã Púng Bánh (Sốp Cộp), một trong những người săn dúi rừng “chuyên nghiệp”, chia sẻ: Dúi rừng thường đi ăn vào ban đêm, ban ngày chúng ủi đất bít cửa hang trú ẩn. Việc này để lại dấu vết, nên thợ săn dễ nhận biết. Việc đào hang để bắt được dúi khá vất vả, vì hang của chúng nằm dưới bụi tre, bụi lau dài từ 3 - 5m và có nhiều ngách, nên phải xác định được ngách chúng đang sống, sau đó tiến hành đào đón đầu (đào một đoạn, bỏ một đoạn) để rút ngắn khoảng cách và dễ dàng bắt được chúng. Dúi rừng có 2 loại: Dúi mốc (dúi xám), trọng lượng từ 0,8 - 2kg và dúi má đào trọng lượng từ 1,2 - 4kg khi trưởng thành. Mỗi ngày nhóm chúng tôi bắt được từ 5 - 7 con to và khoảng 6 - 8 con dúi con, bán cho thương lái, hoặc cho điểm thu mua dúi tại xã, với giá từ 300 - 350 nghìn đồng/kg dúi mốc, 400 - 500 nghìn đồng/kg dúi má đào, dúi con từ 300 - 500 nghìn đồng/đôi.

           

Hợp tác xã 3, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) cân dúi bán cho thương lái ngoại tỉnh.

           

Tại xã Púng Bánh có 2 điểm thu mua dúi ở bản Phiêng Ban và bản Púng. Mỗi vụ dúi, 2 điểm này thu mua khoảng 800 - 900 con dúi rừng thịt và trên 1.000 con dúi con của người dân xã Púng Bánh và xã Sam Kha. Anh Lò Văn C, ở bản Phiêng Ban, cho biết: Nhiều khi hiếm dúi, tôi ứng tiền trước cho những người săn dúi rừng, nhằm “giữ mối bán dúi”. Sau khi thu mua thì bán lại cho trại dúi ở Thành phố, Mai Sơn và một số nhà hàng, quán ăn đặc sản rừng...

           

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các trại nuôi dúi ở xã Hát Lót, xã Chiềng Ban (Mai Sơn), xã Mường Bú, (Mường La), thị trấn Thuận Châu (Thuận Châu), phường Chiềng Sinh (Thành phố), song lại thu mua và buôn bán dúi rừng với số lượng lớn. Những trại nuôi dúi này đã có nhiều cách làm để qua mắt các cơ quan chức năng trong việc mua bán và vận chuyển dúi rừng ra ngoại tỉnh. Chị Lương Thị T, chủ trại nuôi dúi ở bản HTX 3, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) cho biết: Năm 2018, gia đình được cấp giấy phép nuôi dúi và bán dúi giống, dúi thịt. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng tôi mua thêm dúi rừng của các điểm mua dúi tại các xã giáp biên. Mỗi năm, gia đình mua và bán khoảng 2.500 - 3.000 con dúi rừng thịt và hàng nghìn con dúi rừng con làm giống, chủ yếu bán cho các mối hàng ở Hà Nội, Nghệ An, Hòa Bình... Hiện nay, việc thu mua dúi cũng gặp khó khăn hơn, vì lực lượng chức năng kiểm tra thường xuyên.

           

Còn anh Lò Văn Đ, chủ trại nuôi dúi tại bản Nà Hạ, xã Hát Lót (Mai Sơn) thông tin: Giá dúi giờ cao hơn nhiều so với những năm trước, nhưng mỗi tuần tôi vẫn gom hàng và cung cấp khoảng 30 - 40 kg dúi thịt. Dúi rừng khác với dúi nuôi ở trại là: Dúi rừng răng nhọn, sắc, sờ thấy xương ở dọc sống lưng và rất hung giữ, còn dúi nuôi thì hiền, có thể sờ bắt được.

           

Để vận chuyển dúi rừng ra ngoại tỉnh, các trại dúi có 2 cách: Đóng dúi còn sống vào ống nhựa, lồng sắt nhỏ, đặt vào thùng carton có chọc lỗ hoặc dúi rừng đã mổ sẵn, làm sạch cấp đông cho vào thùng xốp gửi xe khách giường nằm, chia nhỏ số lượng gửi nhiều xe, nhiều khung giờ khác nhau; thời gian dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, gửi xe chở hàng, xe chở nông sản. Còn nếu vận chuyển với số lượng lớn, người mua dúi trực tiếp lên xin cấp giấy phép mua dúi giống ở trại dúi địa phương với Hạt Kiểm lâm huyện, đóng phí 50.000 đồng/con theo quy định. Điều đáng nói là, dúi đã được cho vào rọ sắt, bọc bìa carton, xếp lên xe, sẽ khó phân biệt dúi rừng hay dúi nhà.

           

Thành viên trại dúi HTX 3 trao đổi cách phân biệt dúi nuôi và dúi rừng với PV.

           

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Toàn tỉnh hiện có 57 cơ sở nuôi dúi được cấp phép hoạt động nuôi, thuần dưỡng, bán dúi giống, với 9.264 cá thể. Ông Lò Thế Thi, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Từ tháng 1 đến tháng 6/6/2021, lực lượng Kiểm lâm Sơn La đã phát hiện, xử lý 2 vụ vận chuyển động vật rừng trái pháp luật, với 17 cá thể dúi, đã xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ, với tổng số tiền là 10 triệu đồng. Tuy nhiên, việc buôn bán dúi rừng lén lút ở một số trại nuôi dúi ngày càng tinh vi; các giao dịch, vận chuyển chủ yếu vào ban đêm nên các cơ quan chức năng khó phát hiện, xử lý.

           

Trước thực trạng săn bắt, buôn bán dúi rừng đang diễn ra như hiện nay, thiết nghĩ các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, động vật hoang dã đến nhân dân; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã, trong đó dúi rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái rừng.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới