Cần chung tay "giải cứu" mận tam hoa

Thông thường cứ vào tháng 4 hàng năm, các xã Chiềng Ngần, Chiềng Đen, Chiềng Cọ trên địa bàn Thành phố người dân tất bật thu hoạch mận để xuất bán ra thị trường, nhưng năm nay do bệnh dịch COVID-19 bùng phát, khiến người nông dân như ngồi trên đống lửa, sản phẩm làm ra bán gần như cho mà cũng rất ít người mua…

 

 

Anh Quàng Văn Lán, bản Hôm, xã Chiềng Cọ buồn rầu nhìn những cây mận chín đỏ không ai mua. 

 

Xã Chiềng Cọ có diện tích mận lớn nhất Thành phố, với hơn 900 ha, chủ yếu là mận tam hoa, mận hậu và mận cơm trồng xen cà phê và hàng chục ha chuyên canh, tập trung chủ yếu ở các bản: bản Hôm, bản Hùn, bản Ót Luông và bản Dầu. Năng suất mỗi ha khoảng trên 10 tấn quả, hằng năm giá mận bán ra ổn định từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Ông Cà Văn Danh, Chủ tịch xã Chiềng Cọ (Thành phố) cho biết: Năm nay, do thời tiết hạn hán kéo dài nên quả mận bé, công thêm bị mưa đá, nên sản lượng mận tam hoa của xã chỉ được 700 tấn. Hiện tại, giá mận tam hoa tại vườn chỉ còn 2.000 – 5.000 đồng/kg, mận khác giá 1.000 đồng/kg, nhưng cũng chẳng có người mua

 

Anh Quàng Văn Lán, bản Hôm, xã Chiềng Cọ, nói: Nhận thấy cây mận Tam hoa cho giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, từ năm 2014, gia đình tôi đã mạnh dạn trồng xen cây mận tam hoa trên diện tích 2 ha nương cà phê của gia đình. Năm trước, với 500 gốc mận thu được 30 tấn quả, bán tại vườn được 12.000 - 14.000 đồng/kg, thu khoảng 400 triệu đồng. Năm nay ước đạt khoảng 20 tấn, nhưng mận đang chín rộ khắp vườn mà không ai mua, nhìn mà xót quá.

 

 

Mận ngon, chín đẹp mà không ai mua

 

Không chỉ xã Chiềng Cọ, xã Chiềng Đen cũng có diện tích mận 500 ha. Hằng năm thời điểm này, xe ô tô của các thương lái đang nhộn nhịp ra vào để đóng mận chuyển về xuôi tiêu thụ, nhưng năm nay không khí im ắng bao trùm cả một vùng, vì do dịch bệnh COVID-19. Để phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Sơn La đã thành lập các chốt kiểm soát và ban hành công văn về việc quản lý, cách ly y tế người đến từ địa phương có dịch vào địa bàn tỉnh để phòng chống dịch COVID -19; công văn yêu cầu các công ty cổ phần xe khách tạm dừng hoạt động xe buýt, xe chở khách liên tỉnh. Vì vậy, việc bà con gửi hàng hóa đi tiêu thụ gặp khó khăn.

Đứng bần thần bên vườn mận sai trĩu quả đang chín đỏ cây, rơi rụng khắp vườn, anh Quàng Văn Khiên, ở bản Phảng, xã Chiềng Đen (Thành phố) nói: Hiện đang là mùa thu hoạch mận cơm và mận tam hoa, còn mận hậu thì hơn tháng nữa mới cho thu hoạch. Thời điểm này năm trước, ngày nào tôi cũng chạy xe máy từ sáng đến chiều để chở mận đi bán. Sáng ra, các nhà trong bản đều thức rất sớm để nấu cơm ăn sáng và chuẩn bị đồ nghề đi hái mận. Tiếng cười, tiếng nói tại các vườn mận vui như ngày hội. Chỉ vì dịch bệnh COVID-19, gần chục ngày nay, tôi cứ đi ra đi vào nhìn vườn mận quả chín đỏ mà chẳng thể làm được gì, mận rẻ quá, có 2.000 đồng/kg, chẳng bõ công hái. Cả năm vất vả chăm sóc cây mận, vậy mà giờ đây đành bất lực nhìn mận rụng cả đống.

 

 

Cả quả đồi mận sai quả đã chín đỏ.

 

Với người trồng mận, nếu bán được với giá trung bình 6.000 đồng/kg coi như chẳng có lãi so với chi phí bỏ ra chăm sóc. Thế nhưng đang trong thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và kiểm soát chặt chẽ số người ra vào tỉnh, đã đặt ra bài toán khó với việc “giải cứu” mận cho bà con . Thiết nghĩ lúc này, chính quyền địa phương và chính người dân cần tích cực vào cuộc, chủ động tìm kiếm, liên hệ kho lạnh của các đại lý, cửa hàng trên địa bàn nhờ bảo quản sản phẩm, đợi đến hết thời gian cách ly có thể xuất bán cho các cơ sở chế biến, các doanh nghiệp làm mận sấy rẻo, ô mai, rượu vang; nhờ đến hệ thống siêu thị trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến quan tâm chung tay cùng "giải cứu" mận, giảm thiểu tổn thất cho người nông dân.

 

Để giúp bà con trên địa bàn xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen (Thành phố) tiêu thụ mận tam hoa, đề nghị liên hệ với anh Cà Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, số điện thoại: 0868150277 hay anh Cà Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen, số điện thoại 0974431071. 
Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới