Bệnh xá vì dân ở Sốp Cộp

Đã từ lâu, cán bộ quân y Bệnh xá quân dân y kết hợp của Đoàn 326 được bà con nhân dân các dân tộc xã Mường Lèo (Sốp Cộp) coi như người thân trong gia đình. Vượt lên trên những khó khăn gian khổ của vùng biên ải, các anh tận tâm chăm lo sức khỏe cho nhân dân bằng tất cả tấm lòng.

 

Cán bộ Bệnh xá quân dân y kết hợp (Đoàn 326)

khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn.

 

Một chiều cuối tháng 3, tôi đến thăm Bệnh xá theo lời hẹn. Dù vậy, cũng phải mất gần 30 phút mới gặp được Bệnh xá trưởng, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sáng, bác sỹ chuyên khoa 1, bởi anh đang bận thăm khám cho bệnh nhân. Anh Sáng bảo, ở đây dường như không có ngày nghỉ vì Bệnh xá thường xuyên có khoảng 10 bệnh nhân nội trú, mọi sinh hoạt của bệnh nhân anh em trong đơn vị hầu như đảm trách hết. Ngoài được khám và cấp thuốc miễn phí, bệnh nhân ăn cùng anh em với suất ăn 50 nghìn đồng/ngày.

Bà Lò Thị Bua, ở bản Huổi Làn, xã Mường Lèo, đang trông đứa cháu bị bỏng nặng, nói: “Rất may có Bệnh xá bộ đội nên cháu tôi đã đỡ nhiều mà không phải mất đồng nào”. Còn ông Mòng Văn Chăn, dân tộc Khơ Mú, cũng ở bản Huổi Làn phấn khởi: “Các bác sỹ chăm sóc chu đáo lắm, nằm viện nhưng tôi không phải mất tiền ở, tiền ăn. Ngày nào cũng được ăn 3 bữa, bữa nào cũng có thịt gà hoặc thịt lợn, bộ đội ăn thế nào mình cũng ăn như thế. Cảm ơn bộ đội nhiều lắm”.

Bệnh xá quân dân y kết hợp thành lập năm 2004, thực hiện chương trình quân dân y kết hợp, khám chữa bệnh cho nhân dân vùng khó khăn của huyện Sốp Cộp. Hiện, Bệnh xá chỉ có 1 bác sỹ, 4 y sỹ, 1 dược sỹ và 1 y tá. Bệnh xá chia làm 2 khu vực, một đứng chân ở trung tâm xã Mường Lèo và một ở xã Mường Và. Do đặc thù riêng, nên ngoài công tác chuyên môn, cán bộ chiến sỹ của đơn vị còn nấu cơm, chăm sóc và bảo đảm sinh hoạt cho các bệnh nhân. Bình quân mỗi năm có trên 1.000 lượt bệnh nhân được khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí. Không chỉ vậy, các anh thường xuyên cắt cử nhau đến tận các bản của 8 xã thuộc địa bàn huyện để khám chữa bệnh cho bà con. Chẳng bản nào không in dấu chân các anh. Chỉ có 7 người, nhưng các anh vẫn vừa làm công tác dân vận, vừa tổ chức khám chữa bệnh, tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bà con. Cũng theo anh Sáng, ngoài khó khăn về giao thông và cơ sở vật chất, tiền thuốc phục vụ bệnh nhân đang thiếu nhiều. Năm 2017, đơn vị được cấp 60 triệu đồng, năm nay tăng thêm 20 triệu đồng nữa, nhưng cũng chỉ đủ khám cho khoảng 1.500 lượt người; mỗi năm có khoảng 400 bệnh nhân nội trú, ở đây không có thuốc chuyên khoa nên việc điều trị cho bệnh nhân nặng đang gặp khó khăn.

Khó khăn nhất vẫn là vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên. Đơn vị được cấp 2 xe cứu thương, do đường sá khó đi nên đã hư hỏng phần lớn. Anh Sáng kể: Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2017, khi anh em chuẩn bị ăn bữa cơm tất niên thì Trạm Y tế xã đưa sang một bệnh nhân bị trâu húc gãy 3 xương sườn, có nhiều vết thương hở. Sau khi sơ cứu, anh em phải mượn xe tải của dân chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Để bệnh nhân không bị đau, ảnh hưởng tới các vết thương, anh em mượn toàn bộ số cây chít người dân đang phơi gần đó chất lên xe làm đệm. Vừa đi vừa gọi xe cứu thương chuyên dụng của Bệnh viện huyện vào đón. Cũng dịp Tết năm ấy, có người dân bị ngã và chấn thương sọ não, bệnh nhân lại nhiễm HIV nhưng vì tính mạng của người dân, không ngại ngần căn bệnh nguy hiểm, các anh vẫn khẩn trương cấp cứu. Do tiếp xúc với máu của bệnh nhân, ngay sau cấp cứu các anh phải ra Trung tâm Y tế huyện uống thuốc chống phơi nhiễm.

14 năm gắn bó nơi biên cương, hình ảnh những cán bộ, chiến sỹ mặc áo blu vẫn luôn đậm trong lòng người dân biên giới. Bởi các anh đã thực sự là những người con của đồng bào nơi đây.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới