Bệnh nhi bị viêm phổi do mẹ rửa mũi nhầm bằng cồn 90 độ

Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhi Đỗ Đình P, 1 tuổi, trú tại Quận Đống Đa (Hà Nội) vào nhập viện do mẹ bé sơ suất đã lấy nhầm lọ cồn 90 độ đựng trong lọ có kích cỡ, hình dáng và nhãn mác gần giống với lọ nước muối để bơm rửa mũi cho con.

Qua khai thác bệnh sử được biết, 5 ngày trước, bé P có hiện tượng chảy nước mũi nhiều. Gia đình đã tự rửa mũi cho bé bằng cách dùng xi lanh y tế hút dung dịch nước muối sinh lý rồi bơm trực tiếp vào mũi. 19 giờ ngày 17/8, mẹ bé do sơ suất, đã lấy nhầm lọ cồn 90 độ đựng trong lọ có kích cỡ, hình dáng và nhãn mác gần giống với lọ nước muối để bơm rửa mũi cho con. Số lượng cồn 90 độ bơm vào mũi khoảng gần 20ml.

Ngay sau đó, thấy con quấy khóc khác thường, gia đình xem lại mới phát hiện ra đã bơm nhầm cồn vào mũi con. Bố mẹ bé đã xử trí bằng cách rửa lại nhiều lần bằng nước sạch. Tuy nhiên, thấy con vẫn tiếp tục ho và quấy khóc nhiều nên sau 2 tiếng, bố mẹ đã cho bé vào Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai để khám.

Kết quả thăm khám lâm sàng cho thấy, trẻ tỉnh, không sốt, chảy nước mũi và ho nhiều. Mũi 2 bên đỏ, thở khò khè… Các bác sĩ Khoa Nhi đã chỉ định làm các xét nghiệm và chụp tim phổi… Kết quả cho thấy, bé P bị viêm phổi.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: việc nhỏ nhầm cồn vào mũi trẻ vô cùng nguy hại. Nó có thể dẫn đến bỏng do kích thích niêm mạc mũi. Nặng hơn, nếu hít phải nhiều có thể dẫn đến ngộ độc cồn, viêm phổi.

Mặc dù đã liên tục cảnh báo rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng PGS Dũng cho biết, gần như tháng nào Khoa Nhi của Bệnh viện này cũng phải tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi bị các sự cố do sơ xuất trong gia đình như: bị nhỏ nhầm cồn vào mũi, uống nhầm dầu máy khâu, dầu hỏa... do đựng vào chai trà xanh, Lavie, C2…

PGS. TS. Tiến Dũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý khi vệ sinh mũi cho con vì chai cồn và chai nước muối rất giống nhau về hình thức và kích cỡ. Nếu chẳng may có sơ xuất, nhầm lẫn thì gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu đúng phương pháp. Tuyệt đối, không tự ý xử trí tại gia đình vì việc xử trí không đúng sẽ dẫn đến việc hóa chất ngấm vào cơ thể nhanh hơn hoặc gây những biến chứng nguy hiểm./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới