Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy

Nhiều năm qua, việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân từ xã Tạ Bú (Mường La) đi xã Chiềng Hoa, Chiềng Công, Chiềng Ân, các bản: Pậu, Tôm, Pết (phía bên kia sông của xã Tạ Bú) chủ yếu bằng thuyền. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông đường thủy ở đây đều là thuyền máy tự đóng, chuyên chở hàng hóa, chở người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Bến thuyền từ xã Tạ Bú đi trung tâm xã Chiềng Hoa (Mường La) và ngược lại.

Có mặt tại bến thuyền bản Pậu, xã Tạ Bú đi trung tâm xã Chiềng Hoa (đây là bến chính đi lại giữa 2 xã  trong nhiều năm nay), có nhiều người dân đang chờ ở bến để đón thuyền qua sông. Khoảng 10 phút, 1 chiếc thuyền máy cập bến, mọi người dắt theo xe máy lên thuyền. Theo quan sát, 2 bên bờ sông có khoảng hơn chục chiếc thuyền neo đậu. Những chiếc thuyền máy khá lớn, có mái che, có thể chở khoảng 7 - 10 người kèm theo xe máy và các loại hàng hóa, nhưng không thấy ai trên thuyền mặc áo phao cứu sinh hoặc dụng cụ nổi theo quy định.

Chị Lò Thị Nhân, Trường mầm non Chiềng Công cùng đi trên thuyền, chia sẻ: Đã 2 năm nay, tôi được phân công dạy học tại xã Chiềng Công. 1 tuần 2 lần, tôi đều qua bến thuyền này để lên xã dạy học. Biết là đi thuyền thế này không an toàn, nhưng đành chấp nhận.

Tại bến thuyền các bản: Pậu, Tôm, Pết, hằng ngày có trên 200 học sinh đi thuyền qua sông để sang Trường tiểu học - THCS Tạ Bú. Em Lò Thị Quỳnh, bản Pết, học sinh lớp 9A1, Trường tiểu học - THCS Tạ Bú, nói: Ngày nào cũng vậy, khoảng 6 giờ, em ra bến đón thuyền để đi học, hết giờ học buổi chiều mới về nhà. Đi thuyền mất khoảng 10 phút nên em không mặc áo phao.

Còn anh Quàng Văn Nghiệp, bản Pậu, xã Tạ Bú, chủ thuyền, cho biết: Tháng 7/2021, gia đình đóng mới 1 chiếc thuyền, trọng tải hơn 4 tấn, hết 83 triệu đồng. Có thuyền vừa để đi bắt tôm, cá trên sông, vừa tham gia chở khách vào thứ 5 hàng tuần theo giao kết giữa các chủ thuyền ở đây, phục vụ nhu cầu đi lại của bà con. Người và xe qua sông, chúng tôi thu phí 20 nghìn đồng/lượt, mỗi ngày chở khách thu trung bình từ 200 - 400 nghìn đồng, có thêm thu nhập cho gia đình. Do mới tham gia chở khách, nên tôi chưa được tập huấn lái thuyền và cũng chưa có chứng chỉ lái phương tiện thủy nội địa, chỉ lái theo kinh nghiệm.

Người dân không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy từ xã Chiềng Hoa (Mường La) sang xã Tạ Bú.

Tuyến đường sông từ bến thuyền xã Tạ Bú sang bến thuyền xã Chiềng Hoa dài gần 2km. Không chỉ các bản của 2 xã Tạ Bú, Chiềng Hoa qua lại, mà người dân thuộc một số xã lân cận cũng chọn tuyến đường thủy này, vì vậy lưu lượng người di chuyển hàng ngày khá nhiều. Trên địa bàn 2 xã hiện có trên 100 thuyền máy, xuồng máy đang hoạt động, trong đó, gần 30 thuyền chuyên chở khách có tải trọng từ 4 - 6 tấn. Các phương tiện chủ yếu đóng theo nhu cầu của hộ gia đình, không theo thiết kế tiêu chuẩn kỹ thuật nào và cũng chưa được đăng ký, đăng kiểm, chưa trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao cứu sinh, thiết bị nổi... Chủ thuyền cũng chưa được tập huấn điều khiển thuyền, chưa có chứng chỉ, bằng lái phương tiện thủy nội địa; nhiều khi chủ thuyền có việc bận còn giao cho người thân trong gia đình lái thuyền chở khách qua sông. Việc chở khách cả ngày lẫn đêm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy, đắm thuyền... Theo người dân sinh sống gần bến, từ năm 2017 đến nay, đã xảy ra 2 vụ đắm thuyền, 1 vụ do lái thuyền đi vào vùng xoáy nước, còn 1 vụ va phải đá ngầm dưới lòng sông, làm rơi 1 xe máy và hàng hóa, nông sản xuống sông.

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông đường thủy, các ngành chức năng và huyện Mường La cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra an toàn phương tiện; xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của các chủ phương tiện, học sinh và người dân trong việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông đường thủy.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới