Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Huyện Mộc Châu đã và đang tập trung triển khai hỗ trợ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhân dân bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu biểu diễn múa khèn phục vụ du khách.

Đông Sang là xã phát triển du lịch của huyện Mộc Châu, có Khu du lịch Rừng thông bản Áng và nhiều điểm du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Năm 2023, thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, hơn 20 hạt nhân văn nghệ các bản của xã Đông Sang được tập huấn, hướng dẫn, truyền đạt những kiến thức, kỹ năng trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Thái; dàn dựng, tổ chức Chương trình văn nghệ truyền thống phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa tại địa phương, nhất là các du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Anh Vì Văn Tuyền, cán bộ Văn hóa xã Đông Sang, cho biết: Xã có 14 đội văn nghệ ở 10 bản, riêng bản Áng có 4 đội, việc đào tạo, tập huấn các đội văn nghệ, giúp xã phát triển du lịch bài bản, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, xã tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ nghề dệt truyền thống, những điệu múa xòe, làn điệu dân ca, bảo tồn ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái... thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, nâng cao thu nhập nhân dân. Từ đầu năm đến nay, xã đón gần 1,2 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Còn bản Tà số 1, xã Chiềng Hắc, những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng; hoạt động du lịch ở bản đã dần được chuyên nghiệp hóa, mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm đáng nhớ khi về thăm bản. Ông Mùa A Lứ, Trưởng bản Tà Số 1, cho biết: Hiện nay, bản đang được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, sân khấu và sân vận động, giúp bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch tốt hơn, nâng cao thu nhập cho nhân dân từ du lịch. Ngoài ra, bà con còn được tập huấn kỹ năng giao tiếp, đón tiếp, hướng dẫn khách du lịch tham quan...

Từ nguồn vốn Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, từ năm 2022 đến nay, huyện Mộc Châu đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng bản du lịch cho bản Tà số 1; hỗ trợ hơn 200 triệu đồng mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ; thuê hoặc mua sắm thiết bị âm thanh, ánh sáng đáp ứng tối thiểu nhu cầu tập luyện, biểu diễn cho các đội văn nghệ truyền thống tại các bản Áng, xã Đông Sang; Tà Số 1, 2, xã Chiềng Hắc; bản Vặt, bản Lùn, Là Ngà, xã Mường Sang. Hỗ trợ hơn 113 triệu đồng mua sắm thiết chế nhà văn hóa các bản: Nà Giàng 2, xã Quy Hướng; Suối Mõ, xã Tà Lại; Lũng Mú, xã Tân Hợp. Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình 1719, huyện Mộc Châu đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa bản Nà Giàng 2, xã Quy Hướng...

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch xác định là một trong những giải pháp quan trọng phát triển kinh tế của huyện theo hướng hiệu quả, bền vững. Huyện tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, thực hiện dự án và phân bổ cho các xã vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống, trang thiết bị văn hóa cho các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Phấn đấu đến năm 2025, huyện Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành khu du lịch hàng đầu các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Việc huyện Mộc Châu chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã góp phần nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa, đời sống tinh thần và tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới