Tân Lập quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Hiện nay, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu có hơn 8.200 người trong độ tuổi lao động, chiếm 73% dân số toàn xã. Trong đó, 57,9% số lao động có trình độ đã qua đào tạo, còn lại là chưa qua đào tạo. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho lao động, giúp các hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhân dân xã Tân Lập thu hoạch chè. 

Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hằng năm, xã chỉ đạo ban quản lý các bản rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm; khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề; trong đó ưu tiên dạy nghề cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số.

Từ năm 2022 đến nay, xã đã phối hợp tổ chức 2 lớp đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho 60 hộ dân tại hai bản đặc biệt khó khăn là Nặm Khao và Lóng Cóc. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ gia đình tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ các đơn vị tín dụng trên địa bàn để phát triển sản xuất. Hiện nay, xã có 560 hộ dân vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với tổng dư nợ 20 tỷ đồng.

Bà con bản Phiêng Đón, xã Tân Lập thu hoạch chè. 

Khai thác lợi thế về phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch địa phương, trên địa bàn xã có Công ty Chè Mộc Sương, Homestay bản Hoa, HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập… tạo việc làm ổn định cho trên 80 lao động. Xã đang xây dựng bản Dọi và bản Tà Phềnh được công nhận là bản du lịch cộng đồng, với nhiều loại hình dịch vụ, như: Ẩm thực, du lịch, buôn bán các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công, thuê trang phục truyền thống… để tạo việc làm cho lao động địa phương. Theo đó, xã phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu, dự án Greet tổ chức lớp dạy tiếng Anh miễn phí, lớp tập huấn về kỹ năng làm du lịch, kỹ năng buồng phòng và ẩm thực để trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm cho bà con.

Hiện nay, HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập có 86 ha chè, chủ yếu là chè Shan tuyết và chè Bát Tiên, Kim Tuyên. Hợp tác xã đã đầu tư nhà máy sản xuất rộng hơn 1.000 m² tại bản Dọi 1, xã Tân Lập và xưởng chế biến tại tiểu khu 26/7, thị trấn Nông trường Mộc Châu, với hệ thống máy móc hiện đại; tạo việc làm trực tiếp cho gần 60 công nhân, với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Chị Lò Thị Ngọc, bản Dọi 1, cho biết: Tôi làm việc cho HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập, mỗi tháng được 7 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn chăm sóc diện chè của gia đình để nâng cao thu nhập.

Nhân dân xã Tân Lập áp dụng kỹ thuật tỉa cành cho diện tích mận sau thu hoạch. 

Hàng năm, xã còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp được ngành Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương giới thiệu, tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài huyện và xuất khẩu lao động. Từ năm 2022 đến nay, đã tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền các chính sách hỗ trợ lao động như vay vốn, giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín, giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp với bản thân. Riêng năm 2023, xã đã đưa 50 lao động tham gia Ngày hội việc làm do UBND huyện tổ chức và có 20 lao động tìm kiếm được việc làm sau khi tham gia Ngày hội. Hiện nay, Tân Lập có trên 400 lao động đang đi làm việc ngoài tỉnh, thu nhập bình quân từ 7-12 triệu đồng/tháng/người; hơn 20 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Từ năm 2020, chị Tặng Thị Hòa, bản Phiêng Đón, chọn làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân chuyên nuôi lợn thuộc tỉnh Phú Thọ, có thu nhập bình quân từ 8,5 đến 12 triệu đồng/tháng. Chị Hòa cho biết: Tôi được doanh nghiệp hỗ trợ ăn, ở và cấp phát trang phục làm việc, khoản thu nhập hằng tháng, tôi gửi về cho gia đình trang trải cuộc sống và chăm lo việc học tập của các con. 

Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương đã giúp xã Tân Lập có 95% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Nâng mức thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt gần 42,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9% năm 2023. Ổn định kinh tế, bà con quan tâm nâng cao đời sống tinh thần, tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào của địa phương.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới