Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

Ngày 24/4, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 8, đánh giá kết quả chuyển đổi số 4 tháng đầu năm 2024.

Giọng nam

Cùng dự có các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các tập đoàn công nghệ thông tin. Tại điểm cầu tỉnh Sơn La, dự phiên họp có đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều văn bản quan trọng hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số. Các cơ quan Nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế-xã hội. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tiếp tục đẩy mạnh triển khai, khai thác tối đa giá trị của dữ liệu; đến nay, 14 bộ, ngành, 52 địa phương đã ban hành hành danh mục cơ sở dữ liệu theo quy định, đạt tỷ lệ 77%, tăng 11% so với năm 2023.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp; đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin (tăng 213 triệu thông tin so với năm 2023). Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia kết nối 388 hệ thống, cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối.

Phát triển hạ tầng số, có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang internet băng rộng; 100% xã kết nối internet cáp quang; di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định.

Về phát triển Chính phủ số, đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp với 80,44% TTHC đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt khoảng 38,3%.

Đối với phát triển kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 đạt 16,5%, tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Theo đánh giá, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á.

Phát triển xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; tiếp nhận trên 74,8 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,6 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (đạt 71,63% hồ sơ tiếp nhận). Ứng dụng VNeID tích hợp 8 dịch vụ tiện ích; có 29,3 triệu lượt truy cập; 100% các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo thanh toán không dùng tiền mặt; 64% người dân hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân…

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu địa phương.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại… cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao công tác chuyển đổi số, bảo đảm hiệu quả và thực chất; tiếp tục thực hiện phương châm “3 tăng cường, 5 đẩy mạnh” trong chuyển đổi số, gồm: “tăng cường” về nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của chuyển đổi số đến người dân, doanh nghiệp, người đứng đầu; nguồn lực vật chất, tài chính, nhân lực phục vụ số; hợp tác công tư và “đẩy mạnh” về hoàn thiện thể chế; phát triển hạ tầng số; đổi mới sáng tạo; kỹ năng số; an ninh an toàn mạng thông tin…

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới