Khai thác hiệu quả tiềm năng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phù Yên lần thứ XIX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), kinh tế của huyện Phù Yên duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tạo tiền đề sớm đưa Phù Yên trở thành huyện phát triển của tỉnh.

Thị trấn Phù Yên.

Huyện Phù Yên có diện tích tự nhiên 123.655 ha, nằm ở vị trí hết sức quan trọng, là huyện thuộc vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, có trục quốc lộ 37 và 43, cách thành phố Sơn La 135 km, cách thủ đô Hà Nội 174 km. Phía Tây giáp huyện Bắc Yên, phía Nam giáp huyện Mộc Châu, phía Đông Nam giáp huyện Đà Bắc (Hòa Bình), phía Đông giáp huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), phía Đông Bắc giáp huyện Tân Sơn (Phú Thọ), phía Bắc giáp huyện Văn Chấn (Yên Bái). Huyện Phù Yên có cánh đồng Mường Tấc rộng hơn 1.600 ha, đứng thứ 4 ở vùng Tây Bắc, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, thương mại và du lịch, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, da giầy…

Năm 2016,  huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ. Các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế đều có bước phát triển khá,  tổng giá trị sản xuất đạt 3.800 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng về các ngành dịch vụ, thương mại và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28,3%, công nghiệp - xây dựng 31,8 %, dịch vụ, thương mại 39,9%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng, tăng 3,7 triệu đồng so với bình quân giai đoạn 2011-2015. Đồng thời, tập trung đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực kinh tế, tăng cường các giải pháp thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Ca sản xuất của công nhân nhà máy may Phù Yên.

Năm 2017, Phù Yên phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất 3.990 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp 26,7%; công nghiệp, xây dựng 32,8%; dịch vụ, thương mại 40,5%; thu nhập bình quân đầu người 28 triệu đồng. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, huyện Phù Yên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, huy động, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong đó, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm; quy hoạch đô thị làm căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch năm; thực hiện nhiệm vụ quy hoạch khu đô thị giai đoạn 2016-2020. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công; ưu tiên đầu tư cho các công trình giao thông và hạ tầng đô thị, các công trình có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các ngành, lĩnh vực, vùng, xã, thị trấn; phát triển hệ thống thủy lợi, các công trình phòng chống thiên tai, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất các ngành giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch và các công trình phúc lợi xã hội khác. Làm tốt công tác phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đôi với xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường; phấn đấu huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 đạt khoảng 2.450 tỷ đồng.

Nông dân bản Thịnh Lang 1, xã Tân Lang (Phù Yên) sơ chế nông sản.

Kế hoạch đầu tư công năm 2017 gắn với việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, bố trí tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc cân đối bố trí các nguồn lực đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn của các dự án đầu tư trong tất cả các khâu từ quy hoạch, lập dự án, thẩm định, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, khuyến khích thành lập HTX, tổ hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ở các khu vực nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Phát triển các loại dịch vụ mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các  tổ chức tín dụng đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu cho vay vốn phát triển sản xuất của các thành phần kinh tế, nhất là các đối tượng ưu tiên trong phát triển sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Đường giao thông nông thôn ở bản Đồng Lỳ, xã Huy Hạ (Phù Yên).

Phát huy hiệu quả phát triển kinh tế của 4 tiểu vùng kinh tế: vùng trọng điểm lúa, vùng Mường, vùng cao và vùng hồ sông Đà. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thị trường. Quy hoạch các diện tích cây trồng trọng điểm, duy trì 30.468 ha diện tích gieo trồng tại các xã vùng Mường, gồm: Mường Cơi, Mường Thải, Tân Lang, Mường Lang, Mường Do, Mường Bang; trồng lúa chất lượng cao, tỏi, cây rau mầu vụ 3 tại các xã vùng Huy, gồm: Quang Huy, Huy Thượng, Huy Tân,  Huy Bắc, Huy Hạ, Huy Tường, Tường Phù, Gia Phù, Thị trấn và vùng Tường, gồm: Tường Thượng, Tường Tiến, Tường Phong, Tường Hạ, Tân Phong, Nam Phong, Bắc Phong, Đá Đỏ, Sập Xa; thâm canh ngô tại các xã vùng cao, gồm: Kim Bon, Suối Bau, Suối Tọ. Tập trung chỉ đạo sản xuất, nhân rộng các mô hình cây ăn quả có múi; tiếp tục thực hiện Đề án trồng xoài, ghép cành xoài Đài Loan, nhãn chín muộn tại các xã vùng Huy, vùng lòng hồ và vùng cao, nâng tổng diện tích trồng cây ăn quả đạt 1.200 ha. Đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp, phát triển tổng đàn gia súc 120.900 con, duy trì 3.500 đàn ong,nhân rộng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm, vịt trời. Khai thác bền vững và hiệu quả nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Hòa Bình và nhân rộng các mô hình phát triển nuôi cá lồng, các giống thủy sản có hiệu quả kinh tế cao như cá lăng, cá nheo... Nâng cao năng suất, hiệu quả diện tích ao nuôi, các hoạt động nuôi trồng thủy sản khác, phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản 1.300 tấn. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển vốn rừng, phát triển hệ thống rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ, như cây dược liệu, cây sơn tra. Trồng mới rừng tập trung theo hướng liền vùng, liền khoảnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế rừng, công nghiệp chế biến; năm 2017, phấn đấu trồng mới 600 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 46,3%. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn, phát triển cụm công nghiệp Gia Phù, Quang Huy, Huy Thượng… tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2020, Phù Yên phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khá và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016-2020) đạt 12.769,5 tỷ đồng, kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới