Đoàn kết quốc tế trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, bài học về đoàn kết quốc tế là một trong những bài học quan trọng và nổi bật.

Phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
GS, TS Hoàng Chí Bảo. 

Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật đi Trung Quốc và Liên Xô, tìm cách khai thông mở đường phát triển cho cách mạng Việt Nam, tạo lập hậu phương quốc tế cho sự nghiệp “kháng chiến kiến quốc”. Nhờ nỗ lực bền bỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà năm 1950, Liên Xô, Trung Quốc đã chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Các nước xã hội chủ nghĩa anh em ở Đông Âu cũng lần lượt công nhận nước ta. Trong thời gian chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, các cố vấn, chuyên gia Trung Quốc đã cùng ta xem xét, đánh giá tình hình, thảo luận các phương án tác chiến... Sự chi viện, giúp đỡ Việt Nam của Liên Xô hết sức to lớn, toàn diện cả vật chất lẫn tinh thần. Việc nuôi dưỡng nguồn lực đáp ứng yêu cầu cao của chiến trường, việc đào tạo cán bộ chuẩn bị cho xây dựng đất nước sau chiến tranh mà Việt Nam đề xuất được bạn giúp đỡ tận tình, chu đáo, hết lòng, thấm nhuần chủ nghĩa quốc tế cao cả.

Đặc biệt, cần nhấn mạnh đoàn kết quốc tế trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-biểu hiện trực tiếp nhất, quan trọng nhất và hiệu quả lớn lao nhất, đó là tinh thần đoàn kết chiến đấu của Việt-Miên-Lào, cùng trên chiến trường Đông Dương, đánh địch cùng một phương hướng chiến lược. Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, triển khai trên cả 3 chiến trường, tạo tiền đề cho quân và dân ta giành thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ. Cùng với thắng lợi to lớn ở Thượng Lào, Trung-Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, thắng lợi của ta ở Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải chịu thua, chấm dứt chiến tranh xâm lược trên cả 3 nước. Đó là thắng lợi chung của cả 3 dân tộc anh em, cùng chung chiến hào, cùng chia sẻ ngọt bùi, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, “giúp bạn là tự giúp mình”, tạo ra hình mẫu của đoàn kết quốc tế chống thực dân xâm lược, vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp cách mạng chung.

-------------------------------------------

Trung tướng, PGS, TS PHAN XUÂN TUY, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân:

Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đầu não của chiến dịch

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công an nhân dân là lực lượng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch. Do đó, Thứ Bộ Công an (nay là Bộ Công an) xác định rõ: “Công tác bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn này”, trong đó đặc biệt coi công tác bảo vệ lãnh tụ và Bộ chỉ huy chiến dịch là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tuy có nhiều khó khăn, nhưng bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan đầu não kháng chiến và Bộ chỉ huy chiến dịch.

Phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trung tướng, PGS, TS Phan Xuân Tuy. 

Quán triệt phương châm chỉ đạo chiến lược của Đảng và Thứ Bộ Công an, lực lượng Công an nhân dân đã tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ Quân đội, phát động mạnh mẽ Phong trào “phòng gian bảo mật” trong mọi tầng lớp nhân dân và các cơ quan, đơn vị; lập trạm kiểm soát ra vào căn cứ, kịp thời phát hiện bọn gián điệp, chỉ điểm trà trộn để điều tra, phá hoại. Ở khu vực có Bộ chỉ huy chiến dịch đóng quân, công an lập danh sách số đối tượng hiềm nghi, điều chuyển ra nơi khác để làm trong sạch địa bàn, đồng thời thành lập các đội tuần tra, canh gác bảo vệ nghiêm ngặt cả vòng trong lẫn vòng ngoài.

Khi các đồng chí lãnh đạo đi kiểm tra, chỉ đạo chiến dịch, lực lượng Công an nhân dân phối hợp với các lực lượng bố trí bảo vệ trên suốt tuyến đường, nhất là ở những địa bàn hiểm trở, đèo dốc phức tạp dễ bị kẻ địch lợi dụng địa hình để mai phục, tấn công. Do có sự chủ động trong kế hoạch bảo vệ, đặc biệt có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và sự ủng hộ, giúp đỡ, che chở của nhân dân nên lực lượng Công an nhân dân đã bảo đảm tuyệt đối an toàn cho những chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo, đồng thời giữ vững an ninh, trật tự nơi cơ quan Đảng, Chính phủ và Bộ chỉ huy chiến dịch đứng chân.

----------------------------------------

Thiếu tướng BÙI ĐỨC HIỀN, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân:

Khống chế đường không, chặn đường tiếp vận

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có hoạt động khống chế đường không, bao vây trên không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp vận của địch cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 

Để đánh bại các thủ đoạn trên không của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch đã chỉ đạo các lực lượng tập trung bao vây khống chế cầu hàng không của địch ở cả hai đầu vận chuyển: Đánh địch ngay từ căn cứ xuất phát ở hậu phương kết hợp với đánh địch ở chiến trường Điện Biên Phủ. Ta tổ chức từng đơn vị đặc công nhỏ, tinh nhuệ, tập kích táo bạo, bất ngờ vào các sân bay, căn cứ, kho tàng, những nơi có sinh lực cao cấp và các loại vũ khí, trang bị hiện đại của địch liên quan đến nguồn cung cấp tiếp vận cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Điển hình là những trận ta tập kích vào các sân bay: Đồ Sơn, Cát Bi và Gia Lâm, đã gây tổn thất lớn cho địch, làm giảm sút khả năng hoạt động tiếp vận ở các đầu cầu hàng không (hơn 80 máy bay địch đã bị phá hủy, nhiều kho xăng, dầu và kho bom bị cháy).

Phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Thiếu tướng Bùi Đức Hiền. 

Cùng với đó, lực lượng pháo binh pháo kích khống chế sân bay Mường Thanh và sân bay Hồng Cúm, không cho địch hạ cánh, buộc chúng phải thả dù tiếp vận trên không. Các đơn vị phối hợp, đánh chế áp địch, triển khai trận địa để tạo vùng hỏa lực phòng không khống chế đường không của địch; đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, khống chế máy bay, đoạt dù tiếp tế, triệt nguồn tiếp vận bằng đường không của địch. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng phòng không đã cùng các lực lượng khác bắn rơi 62 máy bay và bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không tiếp vận của địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

-----------------------------------------------

Đại tá, PGS, TS ĐỖ HUY HÀ, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Chính trị:

Đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị vừa "hồng", vừa "chuyên"

Cán bộ chính trị là một bộ phận trong đội ngũ cán bộ của Quân đội, cán bộ của Đảng; trong đó, chính ủy, chính trị viên là người chủ trì về chính trị, chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong đơn vị. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đội ngũ cán bộ chính trị có vai trò rất quan trọng đối với việc tạo sự thống nhất về tình hình tư tưởng, khích lệ tinh thần, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ phát huy cao độ ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, làm cho thế và lực của quân và dân ta trên chiến trường không ngừng phát triển, giành ưu thế đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Đại tá, PGS, TS Đỗ Huy Hà. 

Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Học viện Chính trị xác định công tác đào tạo cán bộ chính trị vừa “hồng”, vừa “chuyên” bám sát chuẩn đầu ra là hết sức quan trọng, làm nòng cốt xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần trong Quân đội. Quá trình đào tạo không chỉ tập trung ở trình độ chuyên môn hay kiến thức quân sự, mà phải đào tạo toàn diện cả về phẩm chất chính trị, quân sự, đạo đức, kiến thức, năng lực, thái độ, ý chí quyết tâm... theo chuẩn đầu ra với mục tiêu: Đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước; có kiến thức sâu rộng về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quân sự, văn hóa xã hội; có năng lực toàn diện, khả năng chuyên sâu về lãnh đạo, chỉ huy, công tác Đảng, công tác chính trị và quản lý đơn vị...

-----------------------------------------------

PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT, giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà chiến lược thiên tài

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã làm nên những kỳ tích của thế kỷ 20, trong đó, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi. Nguyên nhân của thắng lợi đã được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng vai trò quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không thể phủ nhận. Con người ấy không chỉ mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc mà còn tạo lập nên những chiến công mang tầm thời đại và Điện Biên Phủ là minh chứng điển hình.

Phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết, giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Theo tôi, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được nhìn nhận trong toàn bộ cuộc kháng chiến mà Người đóng vai trò là “linh hồn” và người chỉ huy cao nhất. Điều này thể hiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và tìm ra cách thức xoay chuyển tương quan lực lượng để tiến tới tổng phản công. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chỉ đạo cao nhất mọi đường hướng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vai trò của Người thể hiện trước hết ở việc bẻ gãy mọi âm mưu, toan tính của đối phương bằng các kế hoạch tác chiến linh hoạt, phù hợp. Trước kế hoạch tấn công của Navarre, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không bị động phòng ngự mà đề ra chủ trương chủ động tấn công. Người diễn đạt kế hoạch tấn công một cách độc đáo, sinh động, dễ hiểu bằng cách mở rộng bàn tay để mỗi ngón tay chỉ về một hướng và nhấn mạnh việc lấy Tây Bắc làm hướng chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động chuyển phương thức tác chiến từ “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh vào chỗ mạnh nhất của địch và buộc quân Pháp phải giao chiến với ta sớm hơn một năm so với kế hoạch của chúng. Người còn tỏ rõ tài năng trong việc lựa chọn cán bộ chỉ huy cao nhất của chiến dịch và huy động sức mạnh của toàn dân để chi viện cho Điện Biên Phủ. 

Đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và nhân loại không dừng ở những kỳ tích Người đã tạo lập trong thế kỷ 20 mà còn ở sức sống, khả năng soi chiếu, dẫn dắt để Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới đi đến mục tiêu hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như mong ước của Người.

------------------------------------------

Đại tá, PGS, TS HOÀNG VĂN PHAI, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị:

Nhiều ý nghĩa trong công tác đối ngoại quốc phòng

Chiến thắng Điện Biên Phủ từ góc nhìn sức mạnh của đoàn kết quốc tế, có thể rút ra nhiều ý nghĩa trong công tác đối ngoại quốc phòng ở nước ta hiện nay. Về lý luận, những quan điểm, tư tưởng về sức mạnh của đoàn kết quốc tế trong Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phát huy trong tình hình mới. Trong đó, công tác đối ngoại quốc phòng tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung và phát triển những nội dung mới phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước, khu vực và quốc tế.

Sức mạnh của đoàn kết quốc tế trong Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục được phát huy trong thực tiễn bằng những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của công tác đối ngoại quốc phòng. Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau thì quốc phòng, an ninh của Việt Nam không thể tách rời của khu vực và thế giới. Trước tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần phải có cách nhìn biện chứng về đối tượng, đối tác; trong mỗi đối tượng vẫn có mặt cần tranh thủ, hợp tác và trong mỗi đối tác vẫn có những mặt mâu thuẫn phải đấu tranh. Do đó, công tác đối ngoại quốc phòng trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng...

Phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Đại tá, PGS, TS Hoàng Văn Phai. 

Mở rộng và nâng cao hiệu quả các mối quan hệ quốc phòng song phương, tích cực tham gia vào những hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương, nhất là với các nước láng giềng, những đối tác quan trọng theo hướng đi vào thực chất và đem lại hiệu quả thiết thực. Tiếp tục trở thành một trong những trụ cột quan trọng của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp góp phần thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

-----------------------------------------

TS ĐẶNG KIM OANH, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng:

Khơi dậy, quy tụ được lòng yêu nước, ý chí quyết tâm cao của toàn dân tộc

Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa mang ý nghĩa lịch sử to lớn, vừa mang tầm thời đại sâu sắc, để lại nhiều bài học có giá trị to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đặc biệt, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Phát huy giá trị được đúc kết từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi trong truyền thống quý báu của dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
TS Đặng Kim Oanh. 

Thực tiễn thành tựu của gần 40 năm đổi mới đã minh chứng: Chỉ có quy tụ, tập hợp được lòng dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, chúng ta mới khơi dậy, quy tụ được lòng yêu nước, ý chí quyết tâm cao của toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc...”. Với ý nghĩa đó, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần, giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành động lực mạnh mẽ để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, từng bước nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

------------------------------------------------

Thượng tá MÈ QUANG THẮNG, Phó trưởng phòng Biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị, Báo Quân đội nhân dân:

Phát huy giá trị tinh thần làm báo tại mặt trận Điện Biên Phủ

70 năm về trước, tại Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã xuất bản và phát hành 33 số báo đặc biệt ngay tại chiến trường; trở thành kênh thông tin báo chí hiệu quả nhất, một mũi xung kích trong chiến dịch. Đó cũng chính là một đại sự kiện báo chí vô tiền khoáng hậu trong lịch sử báo chí thế giới. 

Sự ra đời của Báo QĐND khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trong xây dựng, sử dụng và phát huy vai trò của báo chí như một lực lượng, một "binh chủng đặc biệt" để góp phần xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo QĐND được phát hành ngay tại mặt trận. Lực lượng nòng cốt của Tòa soạn tiền phương chỉ có 5 đồng chí. Trong thời gian 140 ngày đêm, từ ngày 28-12-1953 đến 16-5-1954, Toà soạn tiền phương Báo QĐND đã in ấn và phát hành 33 số báo. Bên cạnh việc làm báo, phóng viên, biên tập viên của Tòa soạn tiền phương còn kiêm thêm công việc phát hành. Với chức năng là “tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể”, tờ Báo QĐND ra đời tại mặt trận mang hơi thở của chiến trường, đã trở thành món ăn tinh thần vô giá đối với bộ đội ta trong điều kiện chiến đấu khó khăn, thiếu thốn và gian khổ nhất.

Phát huy giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Thượng tá Mè Quang Thắng. 

Làm báo tại mặt trận Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học quý, đó là bài học về tinh thần dấn thân, dám vượt mọi gian khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ; xây dựng, hình thành phương pháp, tư duy làm báo khoa học, linh hoạt, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh; tính hiệp đồng trong tổ chức làm báo, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng”. Trong thời kỳ mới, phát huy tốt tinh thần làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ, Báo QĐND đã không ngừng cải tiến, đổi mới cả về nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, truyền thống, phong cách, bản sắc của tờ báo chiến sĩ. Báo QĐND được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và các cơ quan chức năng của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương và quần chúng nhân dân đánh giá cao, khen ngợi trong tuyên truyền đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền đậm nét hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, phát hiện và nêu được nhiều điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đóng góp xứng đáng trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt là tinh nhuệ, vững vàng về chính trị.