Điện Biên Phủ những ngày tháng 5 lịch sử

Những ngày tháng 5 lịch sử, những dòng người từ muôn phương nô nức đến Điện Biên tri ân các anh hùng liệt sĩ, thăm những di tích gắn liền với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 70 năm qua, các di tích được gìn giữ, bảo vệ, minh chứng cho trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc, được nhân dân cả nước tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.   

Giọng nữ

Hoa phượng vĩ đỏ thắm trên đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn. Một cuộc chiến cam go, khốc liệt diễn ra giữa một bên là quân, dân của một đất nước chiến đấu cho chính nghĩa, cho độc lập tự do và một bên là đội quân của thực dân xâm lược. Sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng, chí không mòn”, chiến thắng đã thuộc về đội quân chính nghĩa. Nhưng để có được chiến thắng ấy, bao người con ưu tú đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường… 

70 năm chiến tranh đã lùi xa. Chiến trường xưa, hôm nay là những di tích lịch sử, những chứng tích với rất nhiều câu chuyện của một thời đạn bom, khói lửa khốc liệt. Trong dòng người về với mảnh đất Điện Biên hôm nay, có những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tự hào mang trên ngực những tấm huân chương; du khách quốc tế, học sinh, sinh viên... và cũng không ít người mới lần đầu đến với Điện Biên, đến với các di tích của chiến trường xưa. Mỗi người một cảm nhận, một tâm trạng, nhưng đều thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh xương máu để làm nên chiến thắng.

Các Cựu chiến binh tham quan khu ghi danh những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, tại thành phố Điện Biên Phủ là một trong những điểm đến đầu tiên khi về với Điện Biên. Nghĩa trang xây dựng năm 1958, nằm cách đồi A1 lịch sử vài trăm mét về phía Nam. Nghĩa trang là minh chứng cho tinh thần anh dũng, kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây, có 644 mộ anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, nhưng có nhiều phần mộ không có tên, tuổi, thông tin quê quán, ngày hy sinh, đơn vị chiến đấu...

Trải qua hai lần quy hoạch, sửa chữa và nâng cấp vào các năm 1994, 2013, Nghĩa trang ngày nay trở thành một công trình văn hóa - lịch sử mang đậm dấu ấn thời gian, thể hiện sự tôn kính và tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ. Những nén nhang thơm được thắp trên từng phần mộ của các liệt sĩ, như lời tri ân của những người được sống trong tự do, hòa bình và độc lập hôm nay, luôn tưởng nhớ công lao của cha, anh đã ngã xuống.

Các cựu chiến binh viếng các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1.

Mỗi người khi đến đây đều mang nhiều cảm xúc, tại ngôi mộ của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn - người đã lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội tiến lên, thân nhân của Anh cũng lặn lội từ tỉnh Cao Bằng đến để thắp hương, tri ân trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lần đầu tiên đến Điện Biên, cựu chiến binh Lê Minh Tân, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, chia sẻ: Thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ, thấy rất tự hào về chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tiếp nối truyền thống của cha anh, chúng tôi là những cựu chiến binh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước may mắn được trở về, nguyện phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục truyền thống yêu nước để thế hệ trẻ sau này mãi nhớ về “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam. 

Những nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ.

 

Học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT quốc tế Bình Minh, thành phố Sơn La thắp hương các phần mộ liệt sĩ.

Anh Lò Văn Dũng, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, chia sẻ: Thế hệ được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, được hưởng cuộc sống tự do và chỉ biết về Chiến dịch Điện Biên Phủ qua các tư liệu lịch sử, hôm nay, được đến mảnh đất Điện Biên, đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ, tôi càng hiểu rằng hạnh phúc, hòa bình của ngày hôm nay có được là nhờ sự hy sinh xương máu của bao thế hệ đi trước. 

Các cựu chiến binh cùng du khách tham quan di tích đồi A1

Rời Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1, chúng tôi di chuyển đến Đồi A1, trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là nơi ghi dấu những trận chiến đấu oanh liệt nhất của chiến dịch. Trong tổng số 56 ngày, đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, để công phá cứ điểm này, quân ta đã mất tới 39 ngày chiến đấu với bao hy sinh, mất mát, nhiều trận giao tranh ác liệt, giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào.

Hằng năm, di tích Đồi A1 tiếp đón rất đông du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, nhất là vào dịp những ngày tháng 4 và tháng 5. Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tuân, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, xúc động: Đến đây, mới cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến tranh còn lưu giữ trên mỗi hố bom, đường hào hay những hiện vật được trưng bày. Đối với chúng tôi, những người đã đi qua chiến tranh, đã từng sống những giây phút hào hùng và bi tráng của thời khói lửa, mới càng thật sự thấm thía ý nghĩa lớn lao của hòa bình và độc lập.

Du khách tham quan bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Còn tại không gian Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hàng trăm hiện vật, tranh, ảnh tư liệu gắn liền với quá trình tổ chức chiến dịch vô cùng gian khổ và hào hùng được giới thiệu, tái hiện sinh động, rõ nét. Nơi đây, còn có bức tranh Panorama rộng lớn đã tái hiện sinh động, hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên “khoét núi, ngủ hầm”, là những dân công hỏa tuyến bên chiếc xe thồ trên đường tới Điện Biên; hình ảnh tham gia chiến dịch của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên; khí thế tiến công như vũ bão của quân và dân ta trên các cứ điểm và chiến thắng vang dội trên cứ điểm Điện Biên Phủ.

Du khách tham quan không gian trưng bày các hiện vật tại Bảo tàng.

 Đến Điện Biên Phủ, được tận mắt thấy những hiện vật chiến tranh, những địa danh nổi tiếng gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ, em Cầm Đan Quỳnh, học sinh lớp 4, Trường tiểu học, THCS và THPT quốc tế Bình Minh, thành phố Sơn La, cho biết: Thông qua các hiện vật được trưng bày, giúp em hiểu thêm về cuộc chiến đấu anh dũng của Quân đội Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để giành thắng lợi. Một chiến thắng gây chấn động địa cầu mà trước đây em chỉ được biết qua sách báo.

Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức hành trình về thăm địa chỉ đỏ tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng.

Các điểm di tích tích lịch sử, như: Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng; Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; Hầm Đờ-Cát… mỗi di tích là những sự kiện lịch sử quan trọng trong bộ tư liệu tổng thể về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Mỗi hiện vật, mỗi bức phù điêu, tượng đài, những câu thơ và các bức vẽ được trưng bày đều toát lên khí thế hào hùng, quật khởi của quân và dân ta trong những ngày tháng cao trào của chiến dịch.

Sau 70 năm chiến thắng, Điện Biên vẫn vẹn nguyên những giá trị lịch sử, những chứng tích hào hùng về sự kiên cường, bất khuất của cả  dân tộc, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh. Những chiến công hiển hách cùng sự hy sinh anh dũng của quân, dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử sẽ mãi mãi trường tồn cùng non sông, đất nước.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới