Sơn La khát vọng phát triển: Kỳ 2: Khi chủ trương, nghị quyết bám sát thực tiễn

Từ “Giấc mơ 4 vạn” khởi đầu thời kỳ đổi mới, đến khi cây ngô ngự trị khắp núi đồi, sau nhường chỗ cho cây ăn quả ngút ngàn nương đồi, mang đến những mùa quả ngọt, làm nên “hiện tượng nông nghiệp”. Hành trình đưa Sơn La đến với thành công trong nông nghiệp hôm nay trải qua nhiều thăng trầm, là sự chuyển đổi từ tư duy lãnh đạo của nhà quản lý đến người sản xuất.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn người dân chăm sóc xoài theo quy trình VietGAP.

Cởi nút thắt, đưa cây ăn quả lên đất đốc

Ngược thời gian gần 10 năm về trước, Sơn La một thời là vựa ngô của cả nước, khắp nơi trên địa bàn tỉnh nghi ngút khói từ những vạt nương, triền đồi, người dân phát, đốt nương, làm đất chuẩn bị gieo ngô, xuống hom sắn, rừng thu hẹp dần, đồi trọc lốc. Trông chờ chủ yếu vào cây ngô, những vụ được mùa, được giá cũng chỉ đạt 20-30 triệu đồng/ha; nhưng khi rớt giá, khiến bao hộ nông dân lao đao, tái nghèo, đói vẫn hoàn đói. Thậm chí có nhà phải bán nương gán nợ, đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình. 

Thực tiễn yêu cầu phải chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng cây gì thì bao năm vẫn chưa tìm ra? Thực tiễn cũng xuất hiện cách làm mới, một số hộ nông dân đã áp dụng kỹ thuật ghép cải tạo vườn cây ăn quả giống cũ, có tín hiệu tích cực, hé mở một hướng đi tươi sáng. Rất nhiều cuộc khảo sát, dự thảo đề án chuyển đổi cây trồng trên đất dốc liên tục được bàn thảo, những cuộc hội thảo từ phòng họp ra đến tận nương rẫy và những chuyến thăm quan học tập các mô hình ở các tỉnh, thành trên cả nước được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành trực tiếp tham gia. Đó là những cơ sở quan trọng để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 121-TB/TU 30/11/2015 về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc có ý nghĩa cởi nút thắt, mở đầu cho quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất.

Dành nhiều tâm huyết với nông nghiệp, đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nhớ lại: Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, năm 2015, Sơn La đề ra 7 chương trình trọng tâm, trong đó có 3 chương trình liên quan đến nông nghiệp và nhấn mạnh “chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kết luận phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nội dung trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao. Thời gian đó, bàn về vấn đề này cũng có nhiều ý kiến trái chiều, vì có ý kiến cho rằng, đã là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì phải có nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu. Sau khi phân tích, Ban Thường vụ quyết định ứng dụng công nghệ cao, đã ứng dụng thì có mức độ. Nếu qui chuẩn cao quá thì nông dân không theo được. Tại thời điểm đó, Học viện Nông nghiệp đã có mô hình ghép mắt cải tạo cây. Sơn La chọn đây là một thành tựu KHKT để đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chính sách tạo sức bật cho ngành nông nghiệp

Bắt đầu từ năm 2016, phát triển cây ăn quả trên đất dốc thực chất là một cuộc vận động để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Sơn La đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt 100.000 ha cây ăn quả. Thời điểm đó, cũng có những hoài nghi, cho rằng phát triển “nóng” thì liệu các loại quả sẽ tiêu thụ đi đâu, về đâu cho hết? Bởi Sơn La cũng có những bài học từ mồ hôi, nước mắt, có thời điểm những vạt nương cây cà phê cháy khô vì sương muối, ngô rớt giá, mở rộng đàn bò sữa ở địa bàn không phù hợp, khi đó cây cao su cũng đang bỏ ngỏ, chưa khẳng định hiệu quả ra sao… nên cũng đặt ra câu hỏi liệu quyết định có mang tính chủ quan? Song trước đòi hỏi của thực tiễn, tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn vững niềm tin với định hướng quy hoạch các khu sản xuất thành vùng nguyên liệu tập trung; chủ trương sản xuất gắn với chế biến, mời gọi đầu tư; khuyến khích các hộ thành lập các HTX xây dựng liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, tạo thành chuỗi giá trị; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu.

Vườn ươm giống cây sa nhân tại xã Mường Và, huyện Sốp Cộp.

Tạo bước đột phá cho nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 5 nghị quyết, kết luận, thông báo về các định hướng lãnh đạo chỉ đạo thúc đẩy nông nghiệp và chế biến nông sản. Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, như: Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 37 và Nghị quyết số 80 về thông qua Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021... UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định, 1 kế hoạch về phát triển cây ăn quả trên dốc.

Tỉnh Sơn La đã hỗ trợ mỗi hộ gia đình ghép mắt cải tạo vườn tạp là 200 nghìn đồng, riêng các hộ tái định cư thủy điện Sơn La hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ, thời gian đó 8.000 đồng/mắt ghép, ghép cho mỗi hộ khoảng 16 mắt. Khi giúp các hộ gia đình ghép mắt cải tạo vườn tạp thì phải chuyển giao được kỹ thuật để sau đó các hộ tự ghép mắt. Nhờ vậy, nông dân thành thục ghép cây như những kỹ sư nông nghiệp lành nghề, có thể áp dụng kỹ thuật rải vụ, có thể cho nhãn, xoài thu hoạch dịp tết với giá bán gấp 6 lần chính vụ; làm cho na ra nhiều lứa quả trong năm, thời gian thu hoạch kéo dài đến Tết Nguyên đán.

Tập huấn sử dụng phân bón hữu cơ tại HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Sơn La đã đưa vào trồng thử nghiệm các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương; công nhận, quản lý và hướng dẫn khai thác nguồn giống cây đầu dòng. Kinh phí tối thiểu, nhưng chính sách phát huy hiệu quả tối đa, chỉ khoảng 18 tỷ đồng hỗ trợ trong 2 năm (2017 và 2018), Sơn La hỗ trợ cho gần 90.000 hộ với khoảng 30% dân số của tỉnh ghép mắt cho cây. Toàn tỉnh ghép cải tạo trên 13.000 ha cây ăn quả các loại; chuyển đổi 52.190 ha cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến năm 2020, cả diện tích và sản lượng quả gấp hơn 3,3 lần năm 2015, đưa tỉnh Sơn La vươn lên trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả đứng thứ 2 cả nước với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cho thu nhập cao từ 200 - 400 triệu đồng/ha... Một con số trong mơ mà nhiều chính khách cùng du khách trên mọi miền cả nước đều chung nhau một lời khen “Hiện tượng nông nghiệp Sơn La”.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, khẳng định: Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã thực sự tạo sức bật lớn cho ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 85.000 ha cây ăn quả và sơn tra, tăng trên 60.000 ha so với năm 2015, sản lượng quả năm 2022 ước đạt khoảng 445.000 tấn.

Trái cây Sơn La an toàn

Khi cả tỉnh đang tập trung đưa cây ăn quả lên đất dốc, các diện tích ghép cải tạo và một số diện tích trồng mới cho thu hoạch quả thì ở tỉnh Sơn La liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thuốc diệt cỏ. Nặng nhất là ngày 20/4/2018, tại bản Suối Khoang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, 81 người dân thấy biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, nóng cổ, khô họng, khó thở, chướng bụng, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên. Xét nghiệm mẫu nước tiểu của các bệnh nhân đều dương tính với Paraquat, là chất độc hại trong thuốc diệt cỏ có trong nguồn nước sinh hoạt chung của bản. Nhà ông Giàng A Phành có 8/10 người bị trọng vụ ngộ độc, ông kể: Cũng may nhập viện kịp thời, được các y, bác sĩ tận tình chữa trị nên mọi người trong bản mới thoát chết. Trước đây, mó nước không có tường rào, xung quanh, cứ vào mùa làm nương, nhiều bao, gói thuốc BVTV sử dụng xong, bà con vứt gần nguồn nước, có người còn rửa dụng cụ phun thuốc tại mó nước...

Con số đáng báo động trong 2 năm (2018-2019), toàn tỉnh có gần 400 trường hợp bị ngộ độc thuốc BVTV, 11 người chết vì tự tử bằng thuốc trừ cỏ; cùng nhiều bệnh liên quan đến việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách... Thông tin hồi đó cũng không khỏi khiến người tiêu dùng dè chừng với các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có trái cây Sơn La.

Phát tờ rơi hướng dẫn người dân cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.

Vì an toàn người sản xuất và người tiêu dùng, hạn chế tác động đến môi trường sống, năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV tại Thông báo số 1147-TB/TU. Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Kết luận số 672-KL/TU, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ giảm tính lệ thuộc, thói quen sử dụng thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng thuốc BVTV...

UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020; phương án hỗ trợ HTX, doanh nghiệp sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020; kế hoạch sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng và phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững... Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn này là hơn 8,9 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến 2020, toàn tỉnh đã xây dựng và lắp đặt trên 2.000 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng canh tác tập trung và địa bàn các xã đạt chuẩn NTM; hàng chục nghìn cuốn cẩm nang, tờ rơi hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, “5 quy tắc vàng” đã được cấp, phát cho người dân. Hằng năm, các huyện, thành phố đã tổ chức phát động đợt ra quân thu gom bao gói thuốc BVTV, tập trung các khu vực đầu nguồn nước, vùng sản xuất nông nghiệp thường xuyên sử dụng thuốc BVTV 3 lần/năm; tổ chức Chương trình “Đổi vỏ bao gói thuốc BVTV lấy thực đã tạo hiệu ứng tích cực, từng bước hình thành thói quen thu gom tại các vùng sản xuất tập trung.

Sơn La tập trung quy hoạch vùng trồng; tăng cường công tác quản lý, giám sát sản xuất. Đồng thời, vận động, khuyến khích thành lập hơn 700 HTX nông nghiệp kiểu mới, làm đầu mối chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ sản xuất, khuyến khích áp dụng quy trình nông nghiệp tốt; giám sát sản xuất tại các hộ gia đình và cũng là đầu mối thu gom tiêu thụ nông sản cho thành viên. Các chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ triển khai các mô hình tưới tiết kiệm, làm nhà lưới, nhà màng sản xuất nông nghiệp cao; hỗ trợ tem mác truy suất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng và hỗ trợ chứng nhận các mô hình nông nghiệp an toàn; quản lý, cấp mã số vùng trồng xuất khẩu... đã giúp các HTX, Liên hiệp HTX và các thành viên HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự theo chuỗi liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.

Nông dân Sơn La đã thay đổi tập quán sản xuất, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sang sử dụng thuốc BTVT có nguồn gốc sinh học, giảm bón phân vô cơ sang hữu cơ với những loại đậu ủ để bón cho cây trồng, vùng trồng VietGAP, xuất khẩu có camera giám sát sản xuất, "mặc áo" cho trái cây. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn), thông tin: Từ năm 2016 đến nay, HTX được hỗ trợ cây giống, xây nhà sơ chế nông sản và vườn ươm giống cây ăn quả lưu vườn, mua dây chuyền sơ chế đóng gói quả; tham gia thí điểm mô hình sử dụng phân hữu cơ cho 10 ha xoài và bưởi... Hiện, HTX có 52 thành viên với quy mô 100 ha xoài, nhãn và bưởi da xanh theo quy trình sản xuất VietGAP phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. HTX yêu cầu các hộ thành viên ghi chép quá trình sản xuất vào sổ theo dõi; thành lập ban kiểm tra, giám sát sản xuất để đảm bảo sản phẩm an toàn, xây dựng và giữ vững thương hiệu sản phẩm của HTX. Doanh thu hàng năm của các thành viên HTX đạt khoảng 10 tỷ đồng. Sản phẩm xoài của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Australia và Trung quốc.

Đến nay, toàn tỉnh 242 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; gần 4.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương; 241 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.865 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ, công nhận nhãn hiệu “Na Thái Mai Sơn, đặc sản Sơn La”, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La”, “Bơ Sơn La”… Thương hiệu trái cây Sơn La an toàn chiếm được lòng tin người tiêu dùng, đạt các tiêu chuẩn vào hệ thống các siêu thị, xuất khẩu các thị trường, như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Từ chủ trương phát triển cây ăn quả, thống nhất về cơ chế, chính sách, gắn quy hoạch với tổ chức lại sản xuất, khai thác lợi thế từng vùng đã tạo bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc ở Sơn La, mở đầu quá trình chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

(còn nữa)

Sơn La khát vọng phát triển: Kỳ 3

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới