Nghề bưu tá

Nghề bưu tá vốn đã lắm gian nan, nhưng người làm công việc này ở miền núi còn khó khăn vất vả hơn nhiều. Tuy vậy, bằng tâm huyết, lòng yêu nghề, nhiều người vẫn gắn bó, hằng ngày trở thành cầu nối đưa thông tin đến các bản vùng sâu, vùng xa.

 

Công việc hằng ngày của bưu tá Đinh Văn Hà.

 

Bưu điện Phù Yên hiện có 25 điểm bưu điện văn hóa xã, 1 tuyến đường thư cấp 2, 11 tuyến đường thư cấp 3 và 28 bưu tá phụ trách chuyển phát bưu chính ở các xã, thị trấn trên địa bàn. Hiện nay, với số lượng báo chí, thư từ, công văn phát hành, bưu phẩm chuyển phát trong ngày rất lớn, nhiều hình thức chuyển phát mới, nên công việc của bưu tá hầu như không có ngày nghỉ.

Chúng tôi đến nhà anh Đinh Văn Hà, bưu tá chuyên nghiệp của Bưu điện huyện Phù Yên vào ngày nghỉ cuối tuần. Thông thường thì ngày nghỉ mọi người dành để nghỉ ngơi bên gia đình, nhưng anh Hà vẫn như con thoi chạy khắp các khối phố trong thị trấn để đưa công văn, vì sang ngày thứ hai tuần kế tiếp, UBND thị trấn có cuộc họp đột xuất. Phải đợi đến gần trưa, chúng tôi mới được trò chuyện với anh. Anh Hà chia sẻ: Công việc bưu tá không theo giờ hành chính, khi nào chuyển hết thư, báo, bưu phẩm được giao thì mới kết thúc một ngày làm việc. Vất vả, áp lực lớn nhưng với chúng tôi, nghề này đã để lại nhiều kỷ niệm vui, buồn khó quên, khiến tôi càng thêm gắn bó với nghề.

Về nhận công tác tại Bưu điện huyện Phù Yên năm 1998, hằng ngày, anh Đinh Văn Hà phải phân loại công văn, thư từ, bưu phẩm, báo, tạp chí... theo các tuyến được phụ trách để phát cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn thị trấn. Chiếc xe máy honda đã gắn bó với anh nhiều năm qua, trung bình mỗi ngày phải chở 50kg bưu phẩm. Khi được hỏi về những khó khăn trong nghề, anh Hà cho biết: Có những bưu phẩm khách hàng chỉ ghi tên người nhận và địa chỉ là khối phố, không có số nhà cụ thể, nên bưu tá phải tìm gặp tổ trưởng dân phố hoặc gặp những người đã ở lâu tại khu vực đó để hỏi địa chỉ, nếu người bưu tá không tận tâm thì họ sẽ không phát mà trả lại bưu phẩm cho Bưu điện.

Trong số 28 bưu tá của Bưu điện huyện Phù Yên, thì ông Lường Văn Xiết, 57 tuổi, điểm Bưu điện văn hóa xã Huy Tường là một trong những người đưa đường thư cấp 3 có khối lượng công việc nặng nhọc nhất. Hơn 10 năm qua, từ sáng sớm tinh mơ, hành trình đều đặn mỗi ngày của ông Xiết là vượt đoạn đường 30km, từ xã Huy Tường xuống Bưu điện huyện lấy công văn, thư từ, bưu phẩm, báo chí về phân loại, sau đó đi đến từng bản, chuyển đến từng địa chỉ cụ thể. Với ông Xiết, một lá thư, tờ báo cũng là tài sản của người dân, nên ông luôn giữ gìn cẩn thận, tất cả được sắp xếp ngăn nắp, bảo quản an toàn, bảo đảm không bị rách, ướt hay nhàu nát. Dù ngày nắng cũng như ngày mưa, ông không nghỉ để mang những lá thư, bưu phẩm đến tay khách hàng. Ông Xiết tâm sự: “Tôi luôn tìm thấy niềm vui khi mỗi tờ báo, phong thư đến tận tay người nhận, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của người bưu tá chúng tôi”. 

Chỉ cho chúng tôi vết sẹo dài hơn chục cm ở cánh tay, ông Xiết bảo, đó là năm 2006, trong một lần chuyển báo và thư đến bản Nà Lương, một trong những bản xa nhất của xã, đang trên đường thì gặp nước lũ tràn về, cả người lẫn xe rơi xuống suối Lau đang cuồn cuộn lũ. Bất chấp nguy hiểm, ông bỏ xe máy để lao theo cứu túi bưu phẩm, sau đó mới đi bộ đến nhà dân gần đó nhờ người vớt xe máy. Chiếc xe máy bị ngập nước không đi được, ông lại phải thuê người chở đến tận bản để đảm bảo thư, báo đến đúng địa chỉ.

Những năm gần đây, công nghệ thông tin phát triển, nhiều hình thức chuyển phát mới cũng được ra đời, công việc của những người bưu tá vùng cao cũng vất vả hơn, đặc biệt là việc nhiều khách hàng xem các chương trình quảng cáo trên truyền hình rồi đặt mua sản phẩm qua internet, điện thoại, bưu tá nhận bưu phẩm từ đơn vị cung ứng rồi chuyển phát cho người nhận theo hình thức giao hàng và thu tiền trực tiếp từ người nhận. Tuy nhiên, nhiều khi giao bưu phẩm đến thì khách hàng lại không muốn nhận vì sản phẩm không giống quảng cáo, hoặc khách hàng không có tiền trả, vậy là lại phải mang về hoàn trả lại. Mỗi lần như vậy người bưu tá mất rất nhiều thời gian và công sức, đặc biệt là khách có địa chỉ ở các bản vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn.

Mấy chục năm qua, hình ảnh những bưu tá tận tụy ở Phù Yên luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân. Bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề, hằng ngày những công văn, cánh thư, tờ báo được đưa đến từng địa chỉ, góp phần không nhỏ đưa thông tin đến với các bản xa xôi, làm cầu nối quan trọng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân.

 

Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới