Bưu chính duy trì luồng vận chuyển hàng hóa

Sau ba tuần tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu tại địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp bưu chính đã cung cấp hơn 6.000 tấn nhu yếu phẩm tới tay người tiêu dùng, hỗ trợ hàng trăm nghìn gia đình an tâm ở nhà chống dịch.

Một điểm phát gạo của Bưu điện tại Đồng Nai.

Mặt khác, các doanh nghiệp bưu chính còn phối hợp chặt chẽ cùng hàng loạt hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm nhằm hỗ trợ duy trì luồng vận chuyển hàng hóa khi đội ngũ giao hàng tận tay (shipper) bị hạn chế hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh.

Tham gia sâu chuỗi cung ứng

Sau khi Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu hai doanh nghiệp bưu chính lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) kích hoạt nhiệm vụ bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho cả thành phố.

Với kinh nghiệm đã có tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trước đó, hai doanh nghiệp này đã nhanh chóng triển khai mô hình điểm bán trực tiếp tại hơn 400 bưu cục phủ khắp 30 quận, huyện của Hà Nội, giúp việc mua hàng hóa của người dân trở nên thuận tiện hơn khi không phải tìm tới các chợ và siêu thị.

Bên cạnh đó, hoạt động cung ứng còn được mở rộng trên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Vietnam Post và Vỏ Sò (Voso.vn) của Viettel Post. Với hơn 4.500 mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, người dân chỉ cần lựa chọn mặt hàng theo nhu cầu, còn việc vận chuyển sẽ được hai đơn vị bưu chính tiến hành giao tận nhà trong thời gian nhanh nhất. Hoạt động của đội ngũ shipper không đăng ký đang bị hạn chế, do đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công thương, hai doanh nghiệp bưu chính cũng đã tiếp xúc với hơn 50 siêu thị và cửa hàng thực phẩm để duy trì luồng vận tải hàng hóa cho các đơn vị này.

Theo đại diện Viettel Post, đối với siêu thị đã có kênh bán hàng trực tuyến, đơn vị sẽ hỗ trợ trong khâu vận chuyển và phát hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Đối với các siêu thị chưa có kênh bán hàng trực tuyến, Viettel Post sẽ tiến hành đưa sản phẩm lên sàn Voso.vn để giúp người dân chọn mua dễ dàng. Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga đánh giá, trong thời gian qua, hai doanh nghiệp bưu chính Vietnam Post và Viettel Post đã đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân tại các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội. Với hệ thống bưu cục rộng khắp cùng việc sở hữu các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart, các mô hình do hai doanh nghiệp này triển khai như điểm bán hàng lưu động hay chương trình bán hàng trực tuyến đều mang lại hiệu quả tốt.

Dưới sự điều phối của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngoài Vietnam Post và Viettel Post cũng đã có thêm nhiều doanh nghiệp bưu chính đang tham gia tích cực trong chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Theo thống kê, đã có tổng cộng gần 3.700 điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu được các doanh nghiệp thiết lập tại 24 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Mặt khác, khoảng 6.150 tấn hàng hóa thiết yếu cũng đã được các doanh nghiệp bưu chính cung ứng đến tận tay người dân; trong đó, khối lượng hàng của Vietnam Post và Viettel Post chiếm hơn 94% (tương ứng với gần 5.800 tấn).

Những mô hình, cách làm hiệu quả

Các doanh nghiệp bưu chính triển khai nhiều mô hình hoạt động mang ý nghĩa thiết thực để hỗ trợ người dân, nhất là những người yếu thế vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Trong đó, có chương trình thiện nguyện mang tên “Trạm hạnh phúc - Chạm yêu thương” do Viettel Post và Quân khu 7 phối hợp triển khai tại TP Hồ Chí Minh - nơi đang là “điểm nóng” về dịch Covid-19.

Đại diện Viettel Post cho biết, đơn vị tổ chức đã tổ chức quyên góp từ các nhà tài trợ, hảo tâm trên khắp cả nước để chung tay tổ chức 16 “Trạm hạnh phúc” đặt tại các bưu cục của đơn vị. Từ ngày 5 đến 19/8, người dân TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn có thể đến các “Trạm hạnh phúc” này để tự chọn một gói quà, bao gồm thực phẩm tươi (trứng gia cầm, rau, củ, quả các loại,…), các thực phẩm khô (gạo, sữa, mì, miến, dầu ăn,…), đồ dùng phòng, chống dịch (khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, kính chắn giọt bắn) hoặc một số mặt hàng thiết yếu khác.

“Viettel Post sẽ tổ chức, gom quà tặng từ mọi miền Tổ quốc để chuyển đến TP Hồ Chí Minh hỗ trợ những người dân đang gặp khó khăn. Chúng tôi không chỉ vận chuyển hàng hóa mà còn mong muốn chuyển cả những “yêu thương” của người dân cả nước, với hy vọng giúp những người yếu thế tại thành phố bớt đi phần nào khó khăn và ấm lòng hơn giữa đại dịch”, Tổng Giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng chia sẻ.

Trong khi đó, nhằm giúp khách hàng hoàn toàn chủ động thời gian nhận hàng mà không còn lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19 qua tiếp xúc, mô hình “tủ phát hàng tự động” (Post Smart) đã được Vietnam Post đưa vào vận hành. Để nhận hàng qua tủ Post Smart, khách hàng chỉ cần liên hệ qua hotline, qua số điện thoại của bưu cục gửi hàng, tạo yêu cầu thay đổi địa chỉ nhận trên ứng dụng My Vietnam Post hoặc yêu cầu trực tiếp bưu tá phát tại điểm tủ mong muốn. Khi hàng về tủ, khách hàng sẽ nhận được thông báo mã OTP qua tin nhắn hoặc mã QR qua thư điện tử. Sau đó, khách hàng quét mã, thanh toán và mở tủ nhận hàng tại điểm đã đăng ký. Hiện Vietnam Post đã triển khai 40 tủ Post Smart, bao gồm 18 tại Hà Nội, 22 tại TP Hồ Chí Minh và sẽ dần mở rộng cung cấp dịch vụ này tại nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian tới. Theo Vietnam Post, bưu gửi sẽ được lưu giữ tại tủ trong 48 giờ; quá trình thanh toán cũng được tối giản hóa qua ví điện tử bằng cách quét mã QR hiển thị trên màn hình tủ.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới