Phát triển đảng viên nữ ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm gần đây, công tác phát triển đảng viên nữ gắn với công tác cán bộ nữ được tỉnh ta luôn quan tâm và có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng các cấp đã đề ra.

Hội Phụ nữ xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Xác định công tác phát triển đảng viên, đảng viên nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là ở địa bàn vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên nữ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tính đến tháng 12/2021, trên địa bàn toàn tỉnh có 29.882 đảng viên nữ, chiếm 33,16% so với tổng số đảng viên; trong đó có 16.623 đảng viên nữ là người dân tộc thiểu số. Nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tăng 2,81% so với nhiệm kỳ trước, trong đó cấp ủy tỉnh có 11/53 đồng chí, đạt 20,75%, trong đó có 3/15 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đạt 20%; nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện và tương đương là 99/443 đồng chí, đạt 22,3% (trong đó có 25/138 đồng chí tham gia Ban Thường vụ huyện ủy/thành ủy, đạt 18,1%), nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã là 582/2707 đồng chí, đạt 21,5% (trong đó: 120/847 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã, đạt 14,17%); tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp tăng cao so với nhiệm kỳ trước (nữ tham gia đại biểu HĐND tỉnh có 23/65 đồng chí, đạt 35,58%; HĐND cấp huyện/thành phố là 152/405 đồng chí, đạt 37,53%; HĐND cấp xã có 1898/4590 đồng chí, đạt 41,35%). Số lượng và chất lượng đảng viên tăng lên đã góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, đảm bảo công tác bình đẳng giới của tỉnh.

Những kết quả đó cho thấy sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị đối với công tác phát triển đảng viên nữ; kịp thời chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Đảng trong mỗi nhiệm kỳ, chỉ đạo chủ động bồi dưỡng cho những quần chúng ưu tú xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được kết nạp Đảng; tích cực vận động, quan tâm tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia công tác xã hội, hoạt động tập thể, phong trào thi đua lao động, sản xuất.

Đồng chí Hà Ngọc Chút, Bí thư Đảng ủy xã Tà Lại, huyện Mộc Châu, cho biết: Đảng bộ xã hiện 249 đảng viên, trong đó đảng viên nữ có 89 đồng chí, bằng 36%. Chủ trương của Đảng ủy là phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân, đặc biệt là các chiến sĩ dân quân nữ. Để làm tốt công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số, giải pháp hữu hiệu là thông qua chính những đảng viên nữ để tuyên truyền, vận động. Năm 2022, Đảng bộ xã kết nạp được 3 đảng viên mới, trong đó có 2 đảng viên nữ.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của tổ chức hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tỉnh ủy, chỉ đạo các cấp hội phụ nữ xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ, đoàn kết hội viên, quan tâm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích, phát huy vai trò của hội viên, phát triển hội viên, phát triển đảng viên nữ, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân.

Đồng chí Bùi Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: Các cấp hội trong tỉnh lồng ghép việc thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác phụ nữ, công tác phát triển đảng viên nữ vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với xây dựng người phụ nữ Sơn La “đoàn kết, nhân ái, thân thiện, sáng tạo và khát vọng vươn lên”; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; thực hiện tốt khâu đột phá “Đồng hành cùng chi, tổ phụ nữ các xã biên giới vững mạnh trong đó chú trọng đến các vùng có đồng bào sinh hoạt tôn giáo” và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đạt kết quả thiết thực.

Để phát triển đảng viên nữ cả về số lượng và chất lượng, các tổ chức Đảng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhận thức về Đảng cho quần chúng, trong đó có quần chúng là nữ người dân tộc thiểu số, tạo niềm tin và động cơ để quần chúng tích cực tham gia xây dựng Đảng và phấn đấu vào Đảng. Đề cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy viên các cấp, nhất là bí thư chi bộ bản; nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cấp ủy Đảng, của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số. Cùng với đó, các địa phương cần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến vùng đồng bào DTTS, như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là cấp cơ sở, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, qua thực tiễn ở cơ sở phát hiện, giới thiệu đoàn viên, thanh niên, hội viên, quần chúng ưu tú cho Đảng.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới